Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Rối loạn chuyển hóa – “Cửa ngõ” của bệnh tiểu đường, tim mạch

Vòng eo lớn, rối loạn mỡ máu, cao huyết áp, đường huyết cao là những dấu hiệu cho thấy có thể bạn đã bị rối loạn chuyển hóa. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, được xem là “cửa ngõ” của bệnh tiểu đường, tim mạch, gan nhiễm mỡ… Việc phát hiện rối loạn chuyển hóa từ sớm sẽ giúp người bệnh và bác sĩ có những biện pháp dự phòng để làm giảm nguy cơ phát triển các bệnh tật liên quan trong tương lai.

Rối loạn chuyển hóa là gì?

Rối loạn chuyển hóa (hay hội chứng chuyển hóa, hội chứng kháng lnsulin) không phải là một bệnh cụ thể, mà là một tập hợp các rối loạn xảy ra đồng thời, làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, tim mạch, gan nhiễm mỡ và một số bệnh ung thư. Nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng chuyển hóa chưa được làm sáng tỏ, nhưng đều bắt nguồn từ sự đề kháng lnsulin, đi kèm với sự tích tụ chất béo (mỡ) không đúng cách.

Một người được chẩn đoán mắc rối loạn chuyển hóa khi nào?

Theo hướng dẫn chẩn đoán của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ (AHA), một người sẽ được cho là mắc hội chứng rối loạn khi có ít nhất 3 trong 5 điều kiện dưới đây:

  • Đường huyết lúc đói ≥ 100 mg/dL (5.6 mmol/L) hoặc đang phải dùng thuốc điều trị hạ đường huyết
  • Huyết áp tâm thu (chỉ số trên) từ 130 mmHg trở lên, hoặc huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) từ 85 mmHg trở lên (hoặc đang phải dùng thuốc điều trị tăng huyết áp)
  • HDL – c (cholesterol tốt) dưới 40 mg/dL ở nam giới hoặc dưới 50 mg/dL ở phụ nữ (hoặc đang phải dùng thuốc điều trị để làm tăng mức HDL – c)
  • Mức Triglycerides ≥ 150 mg/dL (hoặc đang phải dùng thuốc điều trị tăng triglycerid máu)
  • Vòng eo ở người châu Á là ≥ 90 cm ở nam giới hoặc ≥ 80 cm ở phụ nữ
Rối loạn chuyển hóa được chẩn đoán khi có 3 trong 5 tiêu chí trên đây

Rối loạn chuyển hóa được chẩn đoán khi có 3 trong 5 tiêu chí trên đây

Triệu chứng nhận biết rối loạn chuyển hóa

Các dấu hiệu nhận biết cơ thể đang bị rối loạn chuyển hóa gồm có:

  • Tăng huyết áp
  • Tăng đường huyết
  • Tăng triglycerit máu
  • Giảm HDL – c
  • Vòng bụng lớn
  • Đau tức ngực hoặc thở khó khăn
  • Bệnh gai đen (da sạm màu vùng có nếp gấp: bẹn, cổ, nách, khuỷu tay chân), chứng rậm lông ở phụ nữ, bệnh võng mạc, tổn thương thần kinh ngoại vi… ở bệnh nhân có đề kháng lnsulin hoặc mắc bệnh tiểu đường
  • U vàng ở người bị rối loạn lipid máu nặng

Kháng lnsulin là nguyên nhân gây hội chứng rối loạn chuyển hóa

Có nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau góp phần vào sự hình thành và phát triển của hội chứng chuyển hóa như tiền sử gia đình, chế độ ăn uống kém và ít vận động.

Kháng lnsulin dường như là yếu tố trung gian đầu tiên gây ra hội chứng chuyển hóa. lnsulin là hormon đóng vai trò vận chuyển đường từ máu vào tế bào cơ, tế bào mỡ và gan.

Ngược lại, hội chứng chuyển hóa làm tăng tình trạng rối loạn lipip máu và đề kháng lnsulin. Việc dự trữ chất béo không đúng cách sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng kháng lnsulin, đặc biệt ở người béo phì. Nguyên nhân là do các tế bào mỡ sẽ hoạt hóa các yếu tố cytokine tiền viêm, đây được xem là bước khởi đầu thúc đẩy tình trạng kháng lnsulin. Mối quan hệ này tạo thành vòng xoáy bệnh lý, khiến bệnh ngày càng trầm trọng.

Ở những người thường xuyên giận dữ, trầm cảm, stress cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa. Tuy nhiên, đây cũng có thể là biến chứng khi bị hội chứng chuyển hóa và các nhà khoa học vẫn cần nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Hậu quả của hội chứng rối loạn chuyển hóa

Hệ quả do rối loạn chuyển hóa gây ra là rất rộng. Nhiều biến chứng tim mạch đã được chứng minh liên quan đến hội chứng chuyển hóa bao gồm bệnh tim mạch vành, bệnh rung nhĩ, suy tim, hẹp động mạch chủ, thiếu máu cục bộ, đột quỵ… Bên cạnh đó, hội chứng chuyển hóa cũng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 trong xã hội hiện nay. Những người mắc bệnh tiểu đường, kèm theo hội chứng chuyển hóa quá nguy cơ cao phát triển biến chứng thần kinh ngoại biên, bởi cơ chế kích hoạt quá trình viêm mạn tính trong cơ thể.

Ngoài ra, hội chứng chuyển hóa còn dẫn tới sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ, chứng ngưng thử khi ngủ, ung thư vú, ung thư đại tràng, u túi mật…

Rối loạn chuyển hóa là cửa ngõ của nhiều bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể

Rối loạn chuyển hóa là cửa ngõ của nhiều bệnh lý nguy hiểm trong cơ thể

Hướng dẫn thay đổi lối sống cho người mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa

Thay đổi lối sống được cho là giải pháp hiệu quả trong việc cải thiện và làm giảm mức độ nghiêm trọng của các bất thường về sức khỏe có liên quan như giảm tình trạng rối loạn lipid máu, cải thiện huyết áp, giảm kháng lnsulin từ đó cũng làm giảm nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch, tiểu đường…

Tập thể dục

  • Các chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, đạp xe, tập aerobic, chơi thể thao… với cường độ vừa phải như là một phần của lối sống tích cực.
  • Các hoạt động thể chất nên được thực hiện ít nhất 150 phút mỗi tuần, ít nhất 5 buổi tập/tuần
  • Mỗi lần tập nên kéo dài từ 30 phút đến 1 giờ, tập ban đầu với cường độ nhẹ sau đó tăng dần lên

Chế độ ăn kiêng

  • Tăng cường sử dụng rau xanh, quả tươi, thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu đỗ, ngũ cốc nguyên hạt… mỗi ngày
  • Ăn ít nhất hai bữa cá mỗi tuần
  • Nên hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đặc biệt là các loại chất béo công nghiệp có trong các thực phẩm được chế biến hay đóng gói sẵn
  • Giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày (chỉ nên sử dụng ít hơn 6g muối một ngày)
Duy trì chế độ ăn khoa học giúp làm giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa

Duy trì chế độ ăn khoa học giúp làm giảm nguy cơ rối loạn chuyển hóa

Giảm cân

Giảm cân là rất quan trọng đối với những người mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa có vòng eo lớn. Để giảm cân người bệnh bắt buộc phải kết hợp giữa tập thể dục và chế độ ăn uống hợp lý.

Yếu tố về lối sống khác

  • Tránh hút thuốc lá, uống rượu bia
  • Dành nhiều thời gian để thư giãn, giảm căng thẳng

Thuốc điều trị rối loạn chuyển hóa

Các biểu hiện và biến chứng của hội chứng rối loạn chuyển hóa cần được điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh không nên tự mua thuốc điều trị tại nhà. Các thuốc thường được các bác sĩ chỉ định cho những bệnh nhân có hội chứng rối loạn chuyển hóa là:

  • Thuốc chống đông máu với liều thấp với mục đích ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong lòng mạch gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
  • Thuốc điều trị cao huyết áp
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid máu. Hiện nay thường sử dụng nhóm statin.

Cùng với thuốc điều trị thì nhiều loại thảo dược cũng đã được chứng minh đem lại hiệu quả rất tích cực đối với người bệnh mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa như tinh chất lá Xoài, Hoàng bá, Quế chi, lá Neem… Thực tế đã cho thấy rằng, sự kết hợp của các thảo dược này có thể giúp cải thiện các vấn đề của hội chứng rối loạn chuyển hóa và giảm đáng kể nguy cơ biến chứng tiểu đường, tim mạch… nhờ khả năng làm giảm kháng lnsulin hiệu quả.

Ds. Cao Ngọc Hải

Nguồn:

https://emedicine.medscape.com/article/165124-overview

http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/More/MetabolicSyndrome/About-Metabolic-Syndrome_UCM_301920_Article.jsp#.WgZ1s1vWzIU

 

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận