Diabetes là gì? Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?
Diabetes là tên tiếng Anh của bệnh tiểu đường hay còn gọi là bệnh đái tháo đường. Một thuật ngữ khác cũng được dùng để chỉ căn bệnh này là “diabetes mellitus”. Tiểu đường là một căn bệnh mạn tính nghiêm trọng, xảy ra khi lượng đường trong máu quá cao gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Tiểu đường là mạn tính, đặc trưng bởi nồng độ đường trong máu tăng cao kéo dài do thiếu hụt insulin hoặc insulin hoạt động không hiệu quả (kháng insulin). Insulin là hormon do tuyến tụy sản xuất có nhiệm vụ vận chuyển đường từ máu vào trong tế bào, tạo ra năng lượng cho cơ thể sử dụng.
Có hai dạng bệnh tiểu đường chính là tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp 2. Hai dạng này khác nhau hoàn toàn về nguyên nhân, nhưng đều có thể gây ra những biến chứng giống nhau nếu không được điều trị và kiểm soát một cách phù hợp.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là gì?
Tiểu đường tuýp 1 là một loại bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể tự phá hủy các tế bào sản xuất insulin. Hay nói cách khác, cơ thể của người bệnh không có khả năng tự sản xuất loại hormon này. Không có insulin khiến các phân tử đường bị kẹt lại trong máu làm tăng đường huyết. Nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được tìm hiểu một cách rõ ràng, nhưng các nhà khoa học lại phát hiện ra rằng, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường tuýp 1 có thể là do di truyền. Bệnh chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số những người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc insulin trong cơ thể bị vô hiệu hóa một phần (đề kháng insulin) hoặc kết hợp cả 2. Do đó, đường bị tích tụ trong máu làm tăng đường huyết. Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 là do quá trình tương tác phức tạp của các gen di truyền và các yêu tố môi trường sống của người bệnh. Các nhà khoa học cho rằng có đến 58% trường hợp mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 là có thể ngăn chặn được kiểm soát tốt nếu người bệnh có một chế độ tập thường xuyên và một lối sống lành mạnh.
Tiểu đường tuýp 2 chiếm 90% tổng số người bệnh mắc bệnh tiểu đường.
Tiểu đường thai kỳ là gì?
Tiểu đường thai kỳ không phổ biến bằng hai dạng còn lại, chỉ xảy ra khi mang thai và đa phần sẽ khỏi sau khi sinh. Nếu điều trị tốt, sức khỏe của bà mẹ và thai nhi vẫn sẽ được đảm bảo.
Theo thống kê, cứ 100 người phụ nữ mang thai thì sẽ có bốn người mắc tiểu đường thai kỳ. Thông thường, tiểu đường thai kỳ sẽ tự khỏi sau khi sinh em bé. Tuy nhiên, những người mẹ mắc tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 trong tương lai.
Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ
Trong thai kỳ mang thai, có một loại kích thích tố tiết ra từ nhau thai làm tăng lượng đường trong máu. Thông thường, các tế bào tuyến tụy sẽ tiết ra đủ insulin tăng cường để đối phó với tình trạng này. Trong trường hợp các tế bào tuyến tụy bị quá tải, lượng insulin được sản xuất ra không đủ sẽ gây ra bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Như vậy, bạn đã có thể trả lời được câu hỏi diabetes là gì? Đây là một căn bệnh nguy hiểm rất phổ biến và đang có xu hướng tăng mạnh trên toàn thế giới. Việc tăng cường kiến thức cho mình và người thân về bệnh đái tháo đường cũng là một phương pháp hiệu quả trong việc phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Kim Chi
Nguồn:
http://www.webmd.boots.com/diabetes/gestational-diabetes-guide/what-is-gestational-diabetes
https://www.diabetes.org.uk/diabetes-the-basics
- Bình luận mặc định
- Bình luận Facebook