Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm và những lưu ý

Chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm đòi hỏi sự tỉ mỉ, thận trọng hơn nhiều so với ngày thường. Bởi lẽ đường huyết của người bệnh trong những ngày nay dễ tăng cao hoặc xuống thấp thất thường, việc không xử lý kịp thời có thể dẫn tới những rủi ro không đáng có. Nội dung trong bài viết này sẽ hướng dẫn bạn các bước chăm sóc người tiểu đường khi ốm bệnh, không chỉ là chế độ ăn, dùng thuốc mà còn rất nhiều những điều cần lưu tâm khác.

Một số khuyến cáo chung đối với người tiểu đường trong ngày ốm

Việc kiểm soát đường huyết trong những ngày ốm thường khó khăn hơn những ngày bình thường. Do đó, tốt nhất người bệnh nên sắm một chiếc máy đo đường huyết, một chiếc nhiệt kế tại nhà để có thể kiểm tra chỉ số đường huyết và thân nhiệt thường xuyên.

Nên chuẩn bị sẵn số điện thoại của bác sĩ hoặc người thân trong gia đình để nhờ sự trợ giúp y tế trong những trường hợp cần thiết.

Nên mua sẵn một số loại thuốc điều trị cảm cúm thông thường (không cần kê đơn)để có thể sử dụng ngay khi ốm. Nhưng nên tránh thuốc cảm cúm có thành phần là methamphetamine, Phenylpropanolaminbởi chúng có thể gây co mạch, không có lợi cho tim mạch ở người tiểu đường.

Chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm để giúp sức khỏe nhanh hồi phục

Sử dụng thuốc đối với người tiểu đường trong những ngày ốm

Người bệnh vẫn cần sử dụng các loại thuốc điều trị tiểu đường thường xuyên, đều đặn ngay cả khi bị nôn mửa hoặc gặp khó khăn trong quá trình uống thuốc. Nếu không thể uống được thuốc thì cần tới các cơ sở y tế để điều trị. Thường thì các bác sĩ sẽ tạm thời đổi sang cho người bệnh dùng insulin trong thời gian này.

Cần lưu ý tránh sử dụng các loại thuốc dạng siro (đặc biệt là thuốc ho) vì chúng chứa rất nhiều đường, dễ khiến cho đường huyết tăng cao.

Người bệnh vẫn có thể sử dụng một số loại thuốc không cần phải kể đơn như paracetamol, ibulprofen… để điều trị các chứng cảm cúm thông thường tại nhà. Tuy nhiên, vẫn cần phải theo dõi chặt và cần thông báo ngay cho bác sĩ nếu phát hiện các bất thường của cơ thể sau khi sử dụng thuốc (ngay cả khi chỉ nghi ngờ). Việc theo dõi cũng cần được áp dụng đối với các loại thuốc được bác sĩ kê đơn điều trị tại nhà.

Có thể sử dụng các loại thuốc dạng xịt như thuốc xịt mũi vì ít làm ảnh hưởng tới đường huyết.

Trong trường hợp có sốt cao, tiêu chảy nên bù điện giải thường xuyên bằng oresol và uống tối thiểu 2 lít nước trong ngày.

Nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn như nhiễm trùng đường tiểu, sưng amidan, viêm răng miệng… hãy trao đổi với bác sĩ để được sử dụng một số loại kháng sinh cần thiết.

Chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm không thể thiếu kiểm soát chế độ ăn

Chế độ ăn uống khi ốm cũng không thể áp dụng như với người bình thường do nhiều loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể lại có thể khiến cho đường huyết tăng cao. Mặt khác, nhiều người bệnh tiểu đường khi ốm, do mệt mỏi nên ăn ít hơn, thậm chí bỏ bữa, điều này làm tăng cao nguy cơ gặp phải các biến chứng cấp tính do hạ đường huyết. Chính vì những lý do này mà chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường trong những ngày ốm cần có những lưu ý nhất định.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để tránh gặp phải các biến chứng cấp tính do hạ đường huyết thì người bệnh tiểu đường trong những ngày ốm vẫn cần ăn khoảng 40-45g carbohydrate (chất bột, đường) mỗi 3-4 giờ. Đối với một số thực phẩm giàu carbohydrate thì 15g chất này sẽ có trong khoảng:

  • 1 lát bánh mì
  • 1/3 bát cơm
  • 1/3 bát mì
  • 1 phần trái cây tươi kích thước bằng khoảng một trái cam nhỏ hoặc trái bóng tenis (nắm vừa trong lòng bàn tay)
  • ½ bát đậu xanh, đậu tương, đậu Hà Lan
  • ½ bát khoai tây, ngô đã nấu chín
  • ¾ bát ngũ cốc khô hoặc ½ bát ngũ cố đã nấu chín
  • 1/3 cốc sữa có đường

Loại thực phẩm chứa các nhóm chất khác nên được tiếp tục duy trì như khẩu phần ăn hằng ngày.

Nếu bạn cảm thấy khó nuốt thì lượng thực phẩm kể trên có thể nấu thành cháo, hoặc xay nhỏ thành nước trái cây để dễ sử dụng.

Nếu bị sốt cao, nôn mửa hoặc tiêu chảy thì người bệnh cần đặc biệt quan tâm tới việc bù nước. Tốt nhất là nên sử dụng các loại nước không đường như nước đun sôi để nguội, nước trà xanh…

Xem thêm: Chế độ ăn chuẩn cho người bệnh tiểu đường TẠI ĐÂY!

Dấu hiệu cho thấy người bệnh tiểu đường khi ốm cần nhập viện

Trong những ngày ốm nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây thì người bệnh cần tới các cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt:

  • Có dấu hiệu của nhiễm toan ceton như: Đau bụng, nôn mửa, mạch nhanh, thở nông, buồn ngủ trầm trọng, hơi thở có mùi ceton (tương tự như chất tẩy sơn móng tay hoặc mùi hoa quả lên men).
  • Bị nôn mửa hoặc tiêu chảy kéo dài trên 6 giờ.
  • Không có người thân để chăm sóc hoặc không thể tự chăm sóc khi ốm.
  • Lượng đường tăng cao trên 14mmol/l (250mg/dl) trong 24 giờ mặc dù đã uống thuốc đều đặn hoặc khi đường huyết thấp hơn 3.4mmol/l (61mg/dl).

Phòng ngừa bị ốm đối với người bệnh tiểu đường

Tất nhiên, ai cũng có những lúc ốm đau, đặc biệt đối với người bệnh tiểu đường thì các trận ốm, cảm cúm lại xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu người bệnh biết cách để phòng ngừa thì tần suất xuất hiện những lần ốm sẽ được giảm đi đáng kể. Dưới đây là những lời khuyên để giúp người bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa ốm cũng như các bệnh dễ lây nhiễm:

Rửa tay thường xuyên để giảm tần suất bị ốm ở người bệnh tiểu đường

  • Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Dùng khăn giấy, lót vào tay khi bạn mở cửa nhà vệ sinh công cộng. Tránh để bàn tay vao trạm vào mắt, mũi, miệng trừ khi đã rửa tay sạch.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang mắc cúm hay mắc các bệnh dễ lây nhiễm khác
  • Tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm
  • Ăn uống khoa học, nghỉ ngơi điều độ, tập thể dụng thường xuyên và dành nhiều thời gian để thư giãn.
  • Kiểm soát tốt đường huyết bằng việc sử dụng thuốc thường xuyên, ăn uống khoa học và vận động thể chất đều đặn, đồng thời kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt thì sức đề kháng của người bệnh sẽ tăng lên từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh.

Sau khi đọc xong bài viết này, hy vọng rằng bạn đã biết cách chăm sóc người bệnh tiểu đường trong ngày ốm đúng tiêu chuẩn, giúp họ nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Trong trường hợp bạn gặp khó khăn hoặc chưa hiểu các bước cần thực hiện, hãy để lại bình luận để được các chuyên gia trả lời.

Cao Ngọc Hải

Nguồn:

https://www.diabetesselfmanagement.com/about-diabetes/diabetes-basics/planning-ahead-for-sick-days/

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11646-sick-day-care-for-people-with-diabetes-

https://www.webmd.com/diabetes/tc/sick-day-guidelines-for-people-with-diabetes-topic-overview#1

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận