Lần đầu tiên khám tiểu đường chớ bỏ qua những lưu ý quan trọng này
Lần đầu tiên đi khám bệnh tiểu đường chắc hẳn bạn sẽ rất lúng túng bởi không biết nên đi khám ở khoa nào, cần mang các loại giấy tờ gì. Đừng quá lo lắng, bằng những hướng dẫn quan trọng trong bài viết sau đây, bạn sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn trong lần đầu tiên này.
Trước tiên, hãy tìm hiểu sơ qua về bệnh tiểu đường, cũng như các dấu hiệu cảnh báo bệnh mà bạn nên chú ý nhé.
Tiểu đường là gì?
Đây là căn bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin của cơ thể. Insulin giúp vận chuyển đường glucose từ máu vào trong tế bào để tạo ra năng lượng. Khi mắc bệnh tiểu đường, đường trong máu tăng cao bất thường, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, tăng nguy cơ tử vong, tàn phế cho người bệnh.
Khi nào bạn nên đi xét nghiệm tiểu đường?
Ở độ tuổi từ 35 trở lên, mỗi năm bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm đường huyết tối thiểu 1 năm/lần. Số lần đi khám có thể tăng lên nếu trong gia đình bạn có người bị tiểu đường, trước kia bạn từng bị tiểu đường thai kỳ, bạn có thân hình hơi quá khổ hoặc đang có tiền sử rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, bệnh tim mạch…
Dưới đây là một số dấu hiệu của bệnh tiểu đường mà bạn có thể gặp phải:
- Mắt mờ
- Lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, không đủ năng lượng làm việc
- Cảm thấy đói, mặc dù vừa mới ăn xong
- Khát nước liên tục và đi tiểu thường xuyên
- Vết thương, vết loét chậm lành
- Da khô ngứa, da sậm đen ở nách, khuỷu tay chân…
- Tê bì, châm chích tay chân
- Sụt cân không rõ nguyên do
Nếu bạn có nhiều hơn một trong các triệu chứng kể trên, hãy đến bệnh viện để làm test xét nghiệm đường huyết càng sớm càng tốt.
Những lưu ý với lần đầu tiên đi khám bệnh tiểu đường
Phối hợp cùng bác sĩ và cung cấp đầy đủ các thông tin sẽ giúp quá trình khám bệnh diễn ra nhanh hơn
Chuẩn bị các thông tin cần cung cấp cho bác sĩ
Bạn cần cung cấp cho bác sĩ một số thông tin về tiền sử sức khỏe và bệnh tật của các thành viên trong gia đình cũng như với chính mình. Bác sĩ có thể dựa vào những thông tin này để biết cách chỉ định các phương pháp xét nghiệm sao cho phù hợp.
Chuẩn bị giấy tờ trước khi đi khám
Bạn cần mang theo đầy đủ các giấy tờ tùy thân bao gồm: chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu/thẻ căn cước công dân, bảo hiểm y tế/bảo hiểm nhân thọ… Nếu đã từng đi khám trước đó, hoặc đang mắc bệnh, hãy mang theo đơn thuốc cũ hoặc các mẫu giấy kết quả xét nghiệm (nếu còn).
Lựa chọn hình thức khám
Ngày nay, nhiều bệnh viện đã có hai hình thức khám bệnh gồm khám thông thường và khám dịch vụ. Với hình thức khám thông thường có nghĩa là bạn đến bệnh viện, chờ lấy số và được khám theo trình tự quy định. Cách khám này thường mất nhiều thời gian vì bạn phải đi rất sớm để lấy chỗ do số lượng bệnh nhân đông, tuy nhiên ưu điểm là chi phí khám rẻ hơn. Cách thứ 2 là bạn chọn khám dịch vụ, thời gian thăm khám nhanh hơn, có thể chọn lựa bác sĩ, thủ tục nhanh gọn và không rườm rà. Đi kèm với đó thì chi phí khám dịch vụ sẽ đắt hơn. Tùy thuộc điều kiện kinh tế mà bạn có thể lựa chọn các hình thức khám bệnh phù hợp.
Chuẩn bị trước khi thực hiện các xét nghiệm
Xét nghiệm đường huyết sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường
Khi đi khám bệnh tiểu đường, bạn có thể được làm một trong các xét nghiệm sau:
Xét nghiệm máu:
- Xét nghiệm mỡ máu, đường huyết cần yêu cầu nhịn ăn trước khi xét nghiệm tối thiểu 8 tiếng trở lên. Bạn chỉ nên uống nước lọc, không uống nước ngọt, sữa, nước hoa quả, rượu, chè, cà phê trong vòng 12 tiếng trước khi làm xét nghiệm máu.
- Không nên sử dụng bất kỳ vitamin và khoáng chất nào trong vòng 24 giờ trước khi làm xét nghiệm.
Xét nghiệm nước tiểu:
- Bạn cần vệ sinh sạch sẽ tay và bộ phận sinh dục trước khi lấy mẫu nước tiểu. Lưu ý không để tay chạm vào mặt trong của lọ đựng bệnh phẩm.
- Quy trình lấy mẫu nước tiểu: Đi tiểu vào bồn cầu, sau đó vài giây đặt lọ xét nghiệm vào đúng dòng chảy để hứng trực tiếp nước tiểu đến ⅔ lọ thì dừng. Vặn chặt lọ và để đúng nơi được hướng dẫn.
Có thể bạn quan tâm:
- Thông tin toàn diện về xét nghiệm tiểu đường
- Chỉ số glucose bao nhiêu thì bị tiểu đường, cách giảm glucose máu nhanh
Một số vấn đề khác cần lưu ý
- Nếu bạn đang sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc điều trị bệnh tim mạch, vẫn tiếp tục sử dụng giống như chỉ định.
- Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh tiểu đường trước đó và đang dùng thuốc, buổi sáng sớm hôm đó, bạn nên ngưng sử dụng để xét nghiệm đường huyết được chính xác.
- Để thoải mái trong quá trình thăm khám, bạn nên mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi. Không nên mặc quần áo quá chặt hoặc váy liền thân.
Sau quá trình thăm khám, nếu bạn phát hiện mắc bệnh tiểu đường, xin đừng quá lo lắng. Khi đó, hãy bình tĩnh, hỏi các bác sĩ tất cả các thông tin và các biện pháp điều trị căn bệnh này. Ngoài ra, hãy sử dụng băng ghi âm hoặc sổ tay chép lại hướng dẫn của bác sĩ để tránh bị bỡ ngỡ lúc về nhà. Hy vọng với những hướng dẫn sau đây, bạn sẽ không còn lúng túng khi lần đầu tiên đi khám bệnh tiểu đường nữa.
Hoa Lê
- Bình luận mặc định
- Bình luận Facebook