Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Triệu chứng tăng đường huyết giai đoạn sớm và dấu hiệu cấp tính

Triệu chứng tăng đường huyết không dễ nhận biết ở giai đoạn sớm nhưng lại có nhiều dấu hiệu đặc trưng ở giai đoạn muộn khi người bệnh đã gặp phải biến chứng. Điều quan trọng là bạn cần biết dấu hiệu giai đoạn sớm để có hướng khắc phục kịp thời.

Tăng đường huyết là tình trạng đường trong máu tăng cao vượt ngưỡng cho phép của cơ thể. Đường huyết có thể tăng cao trong một thời gian dài nhưng không được phát hiện hoặc đột ngột tăng đường huyết cấp tính với các triệu chứng trầm trọng, có thể đe dọa tới tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tăng đường huyết lâu dài và cấp tính sẽ dẫn tới các triệu chứng không giống nhau

Tăng đường huyết lâu dài và cấp tính sẽ dẫn tới các triệu chứng không giống nhau

Các dấu hiệu tăng đường huyết ở giai đoạn sớm

Nồng độ đường trong máu lúc đói của người bình thường từ 3.9 – 5.5 mmol/l, đường huyết lúc đói trên 5.6 mmol/l được gọi là tiền tiểu đường (hay rối loạn dung nạp glucose khi đói) và trên 7 mmol/l được coi là bệnh tiểu đường. Ở giai đoạn tiền tiểu đường, đường huyết tăng cao âm thầm trong nhiều năm dễ “đánh lừa” cơ thể, khiến người bệnh khó phát hiện các dấu hiệu bất thường để đi thăm khám.

Theo các chuyên gia Nội tiết Đái tháo đường, giai đoạn này có thể kéo dài trung bình từ 5 – 10 năm với các triệu chứng mơ hồ, khó xác định như sau:

Mệt mỏi vô cớ

Đây là dấu hiệu chung phổ biến khi đường huyết tăng cao. Đường trong máu tăng cao nhưng thiếu đường vào tế nào, cơ thể không có năng lượng luôn ở trạng thái  “thiếu sức sống”. Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi không rõ nguyên do, dễ bị buồn ngủ… Tuy nhiên, đây là dấu hiệu khá mơ hồ, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, vì vậy nhiều người bệnh thường bỏ qua dấu hiệu này.

Các biểu hiện bất thường trên da

Khi đường huyết tăng cao, cơ thể buộc phải kéo nước vào trong lòng mạch để pha loãng nồng độ đường khiến làn da của bạn trở nên khô hơn. Mặt khác đường huyết tăng cao lâu dài gây tổn thương hệ mạch máu, giảm nuôi dưỡng máu dưới da cũng gây khô da. Da khô có thể khiến bạn ngứa ngáy, khó chịu và những vết xước khi bạn gãi có thể bị nhiễm trùng, dù bôi thuốc nhưng vẫn khó lành.

Một dấu hiệu bất thường nữa trên da đó là các vùng da có nhiều nếp gấp như khuỷa tay, chân, nách, bẹn, cổ… da sạm màu hơn bình thường. Dấu hiệu này thường gặp ở phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ hoặc những người béo phì.

Vết thương lâu lành

Nhiều người tiểu đường phát hiện bệnh tình cờ thông qua việc đi kiểm tra vết thương ở tay chân điều trị mãi không lành. Nguyên nhân là do môi trường đường rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và hệ miễn dịch của người bệnh bị suy giảm. Nếu bạn thấy có các vết thương, vết xước trên da điều trị mãi không đỡ thì nên đi khám để kiểm tra đường huyết.

Tê hoặc ngứa ran bàn tay, bàn chân

Lượng đường tăng cao lâu ngày gây tổn thương hệ thần kinh có thể gây ra biểu hiện tê, ngứa ran bàn tay, bàn chân. Đây là biểu hiện khi đã có biến chứng tiểu đường và có thể gặp phải ở hơn 50% người bệnh ngay tại thời điểm được chẩn đoán.

Triệu chứng tăng đường huyết cấp tính nguy hiểm

Người bệnh tiểu đường là đối tượng dễ gặp phải biến chứng tăng đường huyết cấp. Nguyên nhân có thể là do bỏ quên liều thuốc, ăn quá nhiều hoặc trong những lúc ốm bệnh, mắc các bệnh nhiễm trùng, chấn thương hoặc khi căng thẳng, stress. Người khỏe mạnh cũng có thể bị tăng đường huyết cấp tính do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị, do viêm tụy cấp hoặc mắc các bệnh lý khác.

Khác với giai đoạn sớm, biểu hiện tăng đường huyết cấp tính rất đột ngột và trầm trọng. Nếu không được đến bệnh viện cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới tính mạng.

Khát nước liên tục và tiểu tiện nhiều lần

Đây là dấu hiệu cho thấy lượng đường trong máu đang ở mức cao. Kích thích cơn khát là cách để cơ thể “hy vọng” pha loãng nồng độ đường trong máu, tăng đào thải đường ra ngoài đường tiểu để hạ đường huyết. Khi có những biểu hiện này, cần xem xét lại việc dùng thuốc hạ đường huyết, kiểm tra lại chế độ ăn… Sau đó nên nhanh chóng thông báo với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn các bước tiếp theo.

Khát nước liên tục – dấu hiệu cảnh báo tăng đường huyết

Khát nước liên tục – dấu hiệu cảnh báo tăng đường huyết

Nhìn mờ

Khi lượng đường trong máu quá cao, nước bị kéo vào trong lòng mạch có thể gây phù nề các mạch máu nhỏ, điều này sẽ cản trở tầm nhìn tạm thời của mắt. Mắt đột nhiên bị nhòe, mờ dù bạn có đeo kính. Tuy nhiên, biểu hiện này sẽ hết ngay khi đường huyết được kiểm soát tốt.

Hơi thở có mùi trái cây lên men

Đây là dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm khi lượng đường trong máu vượt quá ngưỡng 14 mmol/l. Do đường trong máu quá cao nhưng lại thiếu đường ở trong tế bào, cơ thể buộc phải đốt năng lượng từ mỡ làm năng lượng thay thế giải phóng ra nhiều acid, gây nhiễm toan máu. Đây là một trong những tình trạng cấp cứu, cần phải đến bệnh viện để bác sĩ có hướng giải quyết nhanh.

Ngoài biểu hiện này, người bệnh có thể bị buồn nôn, nôn, khó thở, khô miệng, người đột nhiên mệt lã đi, lú lẫn….

Cách đơn giản ngăn chặn tăng đường huyết

Nếu tăng đường huyết cấp tính do viêm tụy, bị chấn thương, nhiễm trùng hoặc do tác dụng phụ của thuốc điều trị đường huyết trở về ngưỡng bình thường sau khi loại bỏ nguyên nhân. Tuy nhiên, ở người đã ở giai đoạn tiền tiểu đường hoặc bệnh tiểu đường, ngăn chặn tăng đường huyết không phải vấn đề có thể giải quyết nhanh chóng mà người bệnh cần kiên trì để thực hiện những lời khuyên sau đây.

Tuân thủ điều trị của bác sĩ

Việc không làm theo hướng dẫn của chuyên gia hay sử dụng thuốc không đúng theo hướng dẫn có thể là nguyên nhân dẫn tới tăng đột ngột nồng độ đường trong máu. Người bệnh nên tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ đồng thời thông báo khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng tăng đường huyết nào.

Xây dựng chế độ ăn hợp lý

Chế độ ăn đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường huyết. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý vừa giúp ổn định lượng đường trong máu và vừa đảm bảo dưỡng chất đầy đủ cho cơ thể hoạt động, giúp ngăn ngừa cảm giác đói và thèm ăn. Người bệnh nên giảm lượng chất bột, đường trong bữa ăn và lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn.

Để xây dựng một khẩu phần ăn hợp lý, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc tham khảo Kế hoạch bữa ăn bệnh tiểu đường từ Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ tại bài viết: Chế độ ăn chuẩn cho người bệnh tiểu đường tuýp 2

Sử dụng một cuốn sổ tay hay một ứng dụng về bữa ăn hằng ngày giành cho người tiểu đường cũng là một cách hiệu quả trong việc kiểm soát và hỗ trợ các bác sĩ phát hiện nguyên nhân của các triệu chứng tăng đường huyết.

Lối sống lành mạnh kết hợp với vận động

Việc vận động cùng với đốt cháy năng lượng sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và sử dụng lnsulin tốt hơn. Bạn nên dành thời gian để luyện tập tối thiểu 45 – 60 phút mỗi ngày và duy trì 5.5 buổi/tuần.

Với những thông tin được đề cập trong bài viết này phần nào đã giải tỏa cho bạn nỗi lo về triệu chứng tăng đường huyết. Và hãy chắc chắn rằng khi có dù chỉ một trong số những dấu hiệu bất thường kể trên, đường chủ quan mà nên đến bệnh viện kiểm tra để được kết luận đúng bệnh và sớm có phương pháp điều trị phù hợp.

Biên tập viên Lê Hoa

Theo nguồn:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperglycemia/symptoms-causes/syc-20373631

http://www.diabetes.org/living-with-diabetes/treatment-and-care/blood-glucose-control/hyperglycemia.html

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận