7 điều quan trọng không nên nói với người bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh về nội tiết do rối loạn chuyển hóa chất đường trong máu khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao. Người bệnh tiểu đường sẽ mất dần khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormon insulin – hormon hạ đường huyết.
Việt Nam có 3.5 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Có thể nói, việc sống chung với căn bệnh này luôn là thử thách đối với bất kỳ người bệnh nào và càng khó khăn hơn khi mà họ phải đối diện với những nhận xét tiêu cực, thiếu hiểu biết của những người xung quanh. Nó có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý, sức khỏe của người tiểu đường, nặng hơn có thể gây ra chứng trầm uất.
Để giải quyết những quan niệm sai lầm, điều quan trọng là phải biết những gì không nên nói với người mắc bệnh tiểu đường. Hãy cùng tìm hiểu những điều nên tránh nói với bệnh nhân tiểu đường ngay trong bài viết sau đây.
Điều 1: Vì sao bạn lại bị tiểu đường – bạn có đang ăn quá nhiều đường không?
Ăn nhiều đường không trực tiếp gây ra bệnh tiểu đường
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ, người bệnh tiểu đường không phải do ăn quá nhiều đường . Nguyên nhân và các yếu tố gây ra bệnh tiểu đường rất phức tạp và chúng ta có thể hiểu như sau:
- Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 1 xuất phát từ các phản ứng tự miễn trong cơ thể bạn (hệ thống miễn dịch của cơ thể bạn sẽ tự tấn công chính tế bào sản xuất insulin). Hiện nay, chúng ta vẫn chưa có cách nào để ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh tiểu đường tuýp 1.
- Sự xuất hiện của đái tháo đường tuýp 2 là do sự kết hợp của di truyền, lối sống và các yếu tố tác động bên ngoài khác làm tăng tình trạng đề kháng insulin.
Trong số 2 loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất, bệnh tiểu đường tuýp 2 hoàn toàn có thể phòng chống bằng chế độ ăn, lối sống lành mạnh và khoa học. Trong khi đó, bệnh tiểu đường tuýp 1 vẫn chưa thể phòng ngừa.
Điều 2: Bạn có chắc chắn mình ăn được món hay không?
Đó cũng là một trong những câu nói nên tránh với người bệnh tiểu đường. Bởi người bị bệnh tiểu đường thường phải áp dụng chế độ ăn rất nghiêm ngặt, họ thường phải suy nghĩ về những gì họ ăn trong mỗi bữa ăn. Và câu nói của bạn có thể khiến bản thân người bệnh cảm thấy tự ái, cảm thấy họ khác biệt với mọi người.
Thay vào đó, bạn hãy hỗ trợ họ bằng cách giúp họ hiểu về một chế độ ăn lành mạnh. Từ đó giúp họ tự tay lựa chọn được những thực phẩm nên ăn, nên hạn chế để họ chủ động trong bữa ăn của chính mình.
Người bệnh tiểu đường không cần quá kiêng khem bất kỳ thực phẩm nào
Điều 3: Trông bạn không giống một người mắc bệnh tiểu đường
Đừng mặc định cái nhìn của bạn về người bệnh tiểu đường rằng họ đều béo. Mặc dù một người thừa cân có thể có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nhưng lại có những người bị tiểu đường tuýp 2 không bị thừa cân hoặc béo phì. Hãy nhớ, bất cứ ai cũng có thể bị tiểu đường.
Điều 4: Bạn đang phải dùng insulin, có phải bệnh tiểu đường của bạn chuyển biến xấu đúng không?
Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến mỗi người bệnh với các mức độ khác nhau. Thật sai lầm khi nghĩ rằng những người tiêm insulin đang gặp phải vấn đề về tiểu đường nghiêm trọng so với người chỉ sử dụng thuốc hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường bằng chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Cụ thể ở đây, người bệnh tiểu đường tuýp 1 cần tiêm insulin nhiều lần trong ngày bởi cơ thể họ không còn khả năng sản xuất insulin. Người bệnh tiểu đường tuýp 2 cần tiêm insulin khi thuốc uống đã giảm tác dụng hoặc trong những giai đoạn đường huyết đang tăng cao quá mức.
Điều 5: Tôi không biết bạn bị bệnh tiểu đường
Mặc dù câu nói này có thể được coi một cách hỏi thăm chu đáo và hết sức bình thường. Nhưng việc gọi ai đó là người mắc bệnh tiểu đường sẽ khiến họ có cảm giác mình bị bệnh mãn tính. Một số người sẽ cảm thấy mình bị kỳ thị và có cảm giác khó chịu khó chịu.
Điều 6: Chỉ số đường huyết trong cơ thể bạn cao quá. Bạn đã thực hiện sai điều gì đúng không?
Đường huyết tăng cao đôi khi nguyên nhân không nằm ở người tiểu đường
Chúng ta đều biết, nồng độ đường trong máu là chìa khóa trong quyết định hiệu quả của việc điều trị bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, mức glucose cao không phải là một chỉ số quyết định tuyệt đối đến tình trạng tiểu đường, mà là một trong nhiều số liệu được theo dõi để giúp đánh giá tình trạng sức khỏe mà thôi. Hãy nhớ rằng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, một số yếu tố sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát của một người.
Thay vì hỏi ai rằng họ đã làm điều gì “sai”, hãy đưa ra lời động viên, sự hỗ trợ tích cực.
Điều 7: Tôi hy vọng bạn không bị mắc những biến chứng tiểu đường như … của tôi
Người tiểu đường luôn nhận thức rõ về các biến chứng tiềm ẩn của bệnh. Bạn không nên nhấn mạnh hay làm nổi bật chúng. Thay vào đó, hãy lắng nghe người xung quanh bạn – những người đang mắc bệnh tiểu đường và ngừng chia sẻ những câu chuyện về những biến chứng đáng tiếc mà họ sẽ phải trải qua.
Hãy hướng đến những suy nghĩ tích cực, rằng nhiều tiến bộ trong chăm sóc bệnh tiểu đường đã làm giảm đáng kể tỷ lệ biến chứng.
Các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bệnh tiểu đường có thể giúp hướng dẫn người bệnh và các thành viên gia đình của họ để xác định kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho mỗi cá nhân.
Mọi người đều có thể hỗ trợ ai đó mắc bệnh tiểu đường, tất cả chúng ta đều có vai trò quan trọng trong việc sửa chữa và tránh những quan niệm sai lầm phổ biến về căn bệnh này. Lời nói của bạn có thể có tác động lớn, vì vậy hãy chọn chúng một cách cẩn thận để tạo ra nhiều năng lượng tích cực cho mọi người.
Có thể bạn quan tâm:
– Tôi đã ổn định được đường huyết, giảm HbA1c bằng cách rất đơn giản
– Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm?
– Những loại trái cây tốt nhất người bệnh tiểu đường nên ăn hàng ngày
Lê Hoa
Nguồn:
https://health.usnews.com/health-news/patient-advice/articles/2016-08-16/7-things-not-to-say-to-someone-with-diabetes
- Bình luận mặc định
- Bình luận Facebook