Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Bệnh đái tháo đường là gì, nguy hiểm không, ai có nguy cơ?

Bệnh đái tháo đường (còn gọi là tiểu đường) là một bệnh mạn tính, đặc trưng bởi đường (glucose) trong máu tăng cao kéo dài, do hoạt động của tụy tạng kém hiệu quả, hoặc do đề kháng insulin. Nếu không được điều trị, bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm chẳng hạn như tổn thương thần kinh, bệnh thận, bệnh tim, bệnh võng mạch mắt và nhiều rối loạn khác. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn đáng kể các biến chứng này bằng cách kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu (cholesterol), cũng như điều trị sớm các bệnh mắc kèm.

Bệnh đái tháo đường là gì? Cần phòng ngừa và điều trị như thế nào?

3 dạng bệnh đái tháo đường thường gặp

Bệnh đái tháo đường có 3 dạng chính: đái tháo đường type 1, type 2 và thai kỳ.

Bệnh đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên, do cơ thể tự phá hủy các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy.

Bệnh đái tháo đường type 2 là loại phổ biến nhất, chiếm 95% tổng số người mắc bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở người trưởng thành, do cơ thể bị thiếu insulin hoặc bị đề kháng với insulin, từ đó làm tăng đường huyết.

Đái tháo đường thai kỳ xảy ra trong thời kỳ mang thai, thường sẽ biến mất sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu bị đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ có nguy cơ cao tiến triển thành bệnh đái tháo đường type 2 sau này.

Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường? Ai có nguy cơ?

Đường (glucose) là nguồn năng lượng chính của cơ thể được lấy từ thức ăn, sau đó được đưa vào trong máu. Để biến đường thành năng lượng thì trước hết, đường phải có insulin giúp “mở cửa tế bào” cho đường đi vào bên trong.

Bệnh đái tháo đường type 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy, từ đó gây thiếu hụt tuyệt đối insulin. Các nhà khoa học cho biết, đái tháo đường type 1 chủ yếu là do gen, các yếu tố môi trường, hoặc nhiễm virut…

Đái tháo đường type 2 hình thành do nhiều yếu tố, chủ yếu gồm lối sống và do gen.

  • Tăng cân, béo phì, lười hoạt động thể chất: Làm tăng đề kháng insulin – nguyên nhân chính gây bệnh đái tháo đường type 2. Đề kháng insulin là tình trạng tế bào cơ, gan và mỡ không sử dụng được insulin, cơ thể cần nhiều insulin hơn để đường được chuyển thành năng lượng, theo thời gian sẽ làm tuyến tụy bị suy kiệt do phải tăng sản xuất insulin. Giai đoạn đề kháng insulin có thể kéo dài 5 – 10 năm, gọi là tiền đái tháo đường.
  • Gen và yếu tố gia đình: Bệnh đái tháo đường type 2 cũng có yếu tố di truyền, đặc biệt là khi cả bố và mẹ đều bị bệnh.

Ngoài các nguyên nhân chính, những đối tượng sau cũng có nguy cơ cao bị đái tháo đường:

  • Tuổi càng cao, nguy cơ bị đái tháo đường càng lớn
  • Hội chứng cushing, bệnh tuyến giáp (suy giáp, cường giáp…), hemochromatosis….
  • Sinh con trên 4 kg
  • Viêm tụy, tổn thương tụy, ung thư tụy hoặc chấn thương vùng tụy gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất insulin của tế bào beta
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc: thuốc lợi tiểu, thuốc chống động kinh, nhóm thuốc chống viêm không steroit, thuốc điều trị bệnh hen, viêm khớp dạng thấp, viêm loét dạ dày tá tràng…

Biểu hiện đái tháo đường

Khát nước liên tục là dấu hiệu đái tháo đường phổ biến

Trái với đái tháo đường type 1 các triệu chứng đột ngột, trầm trọng do thiếu hụt một lượng lớn insulin, thì đái tháo đường type 2 do có xu hướng tiến triển âm thầm trong nhiều năm nên các triệu chứng không rõ ràng, rất nhiều trường hợp phát hiện tình cờ do đi khám sức khỏe, hoặc khi đã xuất hiện biến chứng.

Ngoài ăn nhiều, gầy nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều là những triệu chứng điển hình của cả đái tháo đường type 1 và type 2, người đái tháo đường type 2 có thể xuất hiện thêm các triệu chứng sau:

  • Dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành
  • Khô, ngứa trên da
  • Sạm da, nhất là các vùng da có nhiều nếp gấp như cổ, bẹn, khuỷa tay chân…
  • Mắt mờ
  • Rối loạn cương ở nam giới, khô âm đạo ở nữ giới…
  • Tê bì, châm chích tay chân giống như kim châm hoặc kiến bò trên da

Bệnh đái tháo đường có nguy hiểm không?

Đái tháo đường có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như: Biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, biến chứng suy thận, biến chứng võng mạc. Hậu quả là người bệnh có nguy cơ đối mặt với tàn phế do phải cắt cụt tay chân (đoạn chi), đột quỵ, nhồi máu cơ tim, mù loà, thậm chí là tử vong.

Cách chữa bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường type 1 đòi hỏi người bệnh phải tiêm insulin trọn đời. Có nhiều loại insulin khác nhau, do đó, người bệnh tuyệt đối phải tuân thủ sử dụng thuốc theo đúng chỉ định về liều lượng, thời gian tiêm.

Khi mắc đái tháo đường type 2, người bệnh cần kiểm soát thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và thường xuyên tập thể dục. Nếu chế độ dinh dưỡng và luyện tập không thể giúp kiểm soát đường huyết, buộc phải điều trị bằng thuốc uống hạ đường huyết với các tên thương mại phổ biến như Metfomin, Glucobay, Amaryl, Diamicron… Thuốc uống có tác dụng làm chậm hấp thu đường sau ăn, kích thích tuyến tụy tăng sản xuất insulin, làm tăng độ nhạy của insulin hoặc tác động lên quá trình chuyển hóa đường tại gan. Nếu sau khi dùng thuốc, đường huyết vẫn chưa được kiểm soát, hoặc người bị suy thận, men gan cao, tuyến tụy bị suy kiệt, sẽ cần chuyển sang tiêm insulin để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Hy vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết giúp bạn hiểu rõ hơn bệnh đái tháo đường là gì, cũng như nhưng cách dự phòng và điều trị căn bệnh này.

Ds. Xuân Bắc

Nguồn:

http://www.diabetes.co.uk/what-is-diabetes.html

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/symptoms-causes

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    2 Bình luận
    Mới nhất
    Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận
    trackback

    […] Đái tháo đường là một căn bệnh mạn tính dai dẳng, xảy ra khi lượng glucose (đường) trong máu quá cao do cơ thể không sử dụng được chúng một cách hiệu quả. Nếu không chữa trị, đường huyết tăng cao sẽ dẫn đến những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng. […]

    trackback

    […] Thiếu Kẽm làm suy giảm hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có bệnh tiểu đường. […]