Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường: Điều trị sớm để tránh mù lòa

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính dẫn tới mù lòa ở nước ta. Có khoảng 90% người bệnh tiểu đường biến chứng lên mắt sau 10 – 15 năm, bất kể là tiểu đường tuýp 2 hay tuýp 1. Đường huyết tăng cao kéo dài có thể gây tổn thương các mao mạch ở đáy mắt, gây phù nề hoàn điểm, làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, bệnh glocom… Tuy nhiên, biến chứng này cũng như rất nhiều biến chứng khác của tiểu đường đều có thể phòng ngừa và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Tiểu đường biến chứng lên mắt qua mấy giai đoạn?

Võng mạc là bộ phận nằm bên trong mắt và tập trung rất nhiều các mô thần kinh. Đường huyết tăng cao kéo dài ở người tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ trên khắp cơ thể, trong đó có các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc gây ra bệnh võng mạc đái tháo đường (hay tiểu đường).

Bệnh võng mạc do tiểu đường có thể chia thành các giai đoạn sau:

  • Giai đoạn sớm (bệnh võng mạc không tăng sinh): Bắt đầu xảy ra khi các mạch máu nhỏ tại võng mạc bị rò rỉ máu và các chất trong máu (đốm xuất huyết) khiến cho nó bị sưng phồng lên. Điều này sẽ làm thị lực của người bệnh bắt đầu bị ảnh hưởng, một số người bệnh đã nhận thấy các dấu hiệu như nhìn mờ, xuất hiện các vết mờ trước mắt. Tuy nhiên, ở giai đoạn này rất nhiều người bệnh lại gần như không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu thị lực bất thường nào.
  • Giai đoạn nặng (bệnh võng mạc tăng sinh): Các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tắc nghẽn (một số đoạn mạch bị tắc nghẽn nhưng một số lại bị phình to) khiến cho nhiều vùng trên võng mạc bị giảm lượng máu tới nuôi dưỡng. Lúc này, cơ thể sẽ khắc phục bằng cách tăng sinh rất nhiều các mạch máu mới. Nhưng các mạch máu này lại thường phát triển không đúng vị trí và rất dễ nứt, vỡ, gây phù nề dịch kính, làm ảnh hưởng trầm trọng tới tầm nhìn của người bệnh.

Biến chứng mắt của bệnh tiểu đường rất nguy hiểm nếu không sớm được chữa trị

Các triệu chứng nhận biết sớm biến chứng mắt của bệnh tiểu đường

Một số dấu hiệu sớm giúp người bệnh phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường:

  • Nhìn mờ
  • Xuất hiện các đốm mờ, đốm đen, đốm như “ruồi bay” trước mắt
  • Xuất hiện các vùng đen hoặc vùng trống trong tầm nhìn
  • Khó nhìn vào ban đêm
  • Hình ảnh dao động
  • Mất cảm nhận về màu sắc

Người tiểu đường trên 5 năm, hàng năm nên đi khám mắt tối thiểu 1 – 2 lần để phát hiện sớm biến chứng. Bởi trong giai đoạn sớm thì rất nhiều người mắc bệnh võng mạc tiểu đường không có các bất thường về thị lực nào. Việc phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa rủi ro xấu nhất là mù lòa.

Khi bị biến chứng mắt của bệnh tiểu đường nên điều trị như thế nào?

Điều trị bệnh võng mạc phụ thuộc giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Việc điều trị sẽ nhằm mục tiêu giảm nhẹ, làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển nặng dần của bệnh.

Điều trị giai đoạn sớm

Nếu người bệnh đang ở giai đoạn bệnh võng mạc không tăng sinh mức độ nhẹ và vừa thì chưa nhất thiết cần phải điều trị ngay. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ để xác định khi nào cần phải điều trị. Điều quan trọng nhất lúc này là kiểm soát đường huyết thật tốt bằng thuốc điều trị, chế độ ăn uống và luyện tập khoa học. Nếu đường huyết được kiểm soát tốt thì tốc độ tiến triển của bệnh có thể giảm đi đáng kể.

Điều trị giai đoạn nặng

Nếu phát hiện bị phù hoàng điểm thì người bệnh sẽ cần phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để tránh khỏi di chứng mù lòa. Trong các trường hợp còn lại, tùy vào từng vấn đề cụ thể xảy ra ở võng mạc mà các bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng một trong số các phương pháp dưới đây:

  • Phương pháp laser tập trung (Focal laser): giúp làm chậm, ngăn sự chảy máu và các chất trong máu ra khỏi các mạch máu tại võng mạc bằng cách đốt các mạch máu với laser tập trung. Phương pháp này chỉ cần thực hiện 1 lần.
  • Phương pháp laser tán xạ (Scatter laser): Giúp co các mạch máu tăng sinh bất thường bằng các vết “bỏng laser” trên diện rộng. Sau khi thực hiện phương pháp này người bệnh có thể sẽ nhìn mờ đi trong vài tuần nhưng sau đó thị lực sẽ được cải thiện.
  • Lấy bỏ dịch thủy tinh (Vitrectomy): Các bác sĩ sẽ thực hiện một vết mổ nhỏ trên mắt để loại bỏ máu, dịch thừa cũng như các mô sẹo tại võng mạc.

Nhìn chung các phương pháp này sẽ giúp làm chậm hoặc ngừng sự tiến triển của bệnh trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, trong tương lai, biến chứng mắt của bệnh tiểu đường vẫn có thể tái phát nếu như đường huyết không được kiểm soát tốt.

Chính vì vậy, sử dụng thuốc cũng như các sản phẩm hỗ trợ đều đặn, thực hiện một chế độ ăn uống và tập luyện khoa học để kiểm soát tốt đường huyết ở mức mục tiêu chính là cách tốt nhất để để phòng ngừa biến chứng tiểu đường lên mắt.

Ds.Cao Ngọc Hải

Nguồn:

http://www.diabeticconnect.com/diabetes-information-articles/general/120-preventing-diabetic-retinopathy

https://www.aoa.org/patients-and-public/eye-and-vision-problems/glossary-of-eye-and-vision-conditions/diabetic-retinopathy

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận