Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Tiểu đường biến chứng suy thận: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Tiểu đường biến chứngsuy thận xảy ra khá phổ biến ở những người mắc bệnh lâu năm. Trong một số trường hợp,bệnh có thể tiến triển ở mức độ nghiêm trọng dẫn tới bệnh thận giai đoạn cuối (giai đoạn mà thận gần như mất hoàn toàn chức năng). Không chỉ vậy, những người mắc bệnh thận tiểu đường còn tăng cao nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não…Tuy nhiên, nếu có thể nhận biết sớm và điều trị đúng cách thì người bệnh sẽ giảm đáng kể mức độ tiến triển và những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh.

Tiểu đường biến chứng suy thận xảy ra như thế nào?

Tổn thương thận ở người bệnh tiểu đường xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do hệ quả của biến chứng mạch máu nhỏ. Đường huyết tăng cao, khiến cho các mạch máu nhỏ trên khắp cơ thể bị tổn thương và các mạch máu bên trong tiểu cầu thận là một trong số đó (cầu thận là nơi các chất độc hại trong máu được lọc qua và trở thành nước tiểu).

Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa đường khiến cho nồng độ glucose trong máu tăng cao còn kéo theo hàng loạt các rối loạn chuyển hóa khác xảy ra bên trong cơ thể, nhiều các chất “độc hại” sinh ra được đổ vào máu. Việc đào thải các chất này qua thận trở nên khó khăn hơn và dễ làm các màng lọc ở cầu thận bị tổn thương. Thêm vào đó, nồng độ glucose trong máu tăng cao ở người bệnh tiểu đườnglàm các protein trong cầu thận liên kết với nhau hình thành nên các mô sẹo tại cầu thận. Dần dần, các mô sẹo sẽ dần thay thế các mô thận khỏe mạnh.

Những tổn thương ở thận xảy ra do các yếu tố kể trên ở người tiểu đường là nguyên nhân làm suy giảm khả năng lọc máu ở thận hay còn gọi là suy thận.

Thận bình thường và thận bị suy do tiểu đường

Hậu quả khi bệnh tiểu đường biến chứng suy thận?

Quá trình các tế bào thận bị tổn thương ở người bệnh tiểu đường thường diễn biến chậm trong thời gian dài vì vậy biến chứng thường xuất hiện ở những người mắc tiểu đường lâu năm (từ 3-4 năm trở lên). Mức độ nghiêm trọng của biến chứng trên thận ở người bệnh tiểu đường sẽ phụ thuộc vào mức độ, số lượng tổn thương của các tiểu cầu thận.

Ở giai đoạn đầu khi các tiểu cầu thận bị tổn thương với mức độ nhỏ thì khả năng lọc các chất độc hại của thận đã bắt đầu bị suy giảm. Tuy nhiên do các tế bào thận khỏe mạnh vẫn có thể đáp ứng được chức năng lọc máu nên những ảnh hưởng trên cơ thể chưa nhiều.

Theo thời gian, số lượng và mức độ tổn thương ở các tiểu cầu thận dần trở nên lớn hơn, thì các dấu hiệu bất thường trên cơ thể do chức năng thận bị suy giảm bắt đầu xuất hiện. Bệnh tiến triển nặng nề khi hầu hết các tế bào cầu thận đều không còn khả năng lọc các chất độc hại nữa được gọi là bệnh thận giai đoạn cuối. Lúc này người bệnh sẽ phải lọc máu thường xuyên hoặc phải ghép thận nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Dấu hiệu nhận biết sớm tiểu đường biến chứng suy thận?

Như đã nói ở trên, bệnh thận tiểu đường tiến triển khá chậm. Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường rất mơ hồ và không đặc hiệu như hay cảm thấy mệt mỏi, khó chịu… Về sau, các triệu chứng dần trở nên rõ ràng, bao gồm:

  • Mệt mỏi nhiều
  • Chán ăn, buồn nôn, sút cân
  • Da khô và hay bị ngứa do các chất độc hại không được thận đào thải hết tích tụ trong cơ thể.
  • Thay đổi màu sắc nước tiểu: Nước tiểu có màu vàng sậm, đôi khi hơi đục, nhất là vào buổi sáng
  • Phải đi đi tiểu nhiều lần hơn bình thường
  • Hay bị chuột rút
  • Da nhợt nhạt do thiếu máu(thận sản xuất Erythropoietin một loại hormon có vai trò quan trọng trong quá trình tạo hồng cầu)
  • Đau tức vùng hông lưng phía sau(đau ở thận)
  • Phù do thận giảm khả năng lọc máu gây ứ nước (nhận biết rõ nhất ở bàn chân và mắt cá chân)
  • Phần da dưới mí mắt như bị sưng phồng lên

 

Ngứa trên da có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng suy thận do tiểu đường

Ngứa trên da có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm biến chứng suy thận do tiểu đường

Ngoài ra khi chức năng thận bị suy giảm nhiều vấn đề khác cũng sẽ xuất hiện như thiếu máu, mất cân bằng can xi, phốt pho và các chất khác trong máu. Những vấn đề này còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nữa.

Người bệnh tiểu đường cần đi khám sớm nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường mà nghi ngờ do biến chứng tiểu đường gây ra.

Bệnh tiểu đường biến chứng suy thận và cách điều trị

Việc điều trị biến chứng suy thận ở người bệnh tiểu đường sẽ nhằm mục tiêu ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tiến triển nặng dần của bệnh, đồng thời làm giảm nhẹ tình trạng bệnh.

Để đạt được các mục tiêu này, thông thường các bác sĩ thường sẽ chỉ định các giải pháp bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE): angiotensin là một loại protein có sẵn trong máu gây co thắt mạch máu và làm tăng huyết áp. Nồng độ angiotensin cao sẽ làm cơ tim dày lên, tác động lên thành các mạch máu làm cho các mạch máu dày lên, cứng hơn và điều này dẫn tới dễ làm lắng đọng cholesterol ở thành mạch máu, gây tắc các mạch máu, đây là cơ chế dẫn tới chứng nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não, đồng thời khiến tình trạng suy thận diễn biến xấu đi nhanh hơn. Các thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) như: captopril, enalapril… sẽ giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ về biến chứng tim mạch và làm chậm quá trình tiến triển suy thận ở người bệnh tiểu đường.

Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin-II như losartan, telmisartan cũng được sử dụng với tác dụng tương tự.

  • Kiểm soát tốt đường huyết bằng việc sử dụng thuốc đều đặn, chế độ ăn uống khoa học và vận động thể chất thường xuyên.
  • Kiểm soát tốt huyết áp: Nhóm thuốc ức chế men chuyển có tác dụng hạ huyết áp nhưng nếu không giảm dưới mức 130/80 mmHg thì sẽ cần kết hợp thêm các thuốc hạ áp ở nhóm khác.
  • Lưu ý tới các thuốc khác đang sử dụng: Nhiều loại thuốc thông dụng cũng có thể gây độc trên thận ở người mắc bệnh thận tiểu đường, do vậy cần thông báo cho bác sĩ, dược sĩ tất cả các loại thuốc đang sử dụng để có thể đổi thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng phù hợp.

Tiểu đường biến chứng suy thận: nên ăn gì?

Người bị biến chứng suy thận do tiểu đường cần hạn chế chất đạm

Người bị biến chứng suy thận do tiểu đường cần hạn chế chất đạm

Một chế độ ăn uống khoa học sẽ giúp người mắc suy thận do tiểu đường giảm đường huyết, giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho thận và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng về tim mạch. Một chế độ ăn để có thể đạt được những mục tiêu này đòi hỏi người bệnh phải tuân thủ theo những nguyên tắc dưới đây:

  • Giảm các thực phẩm chứa chất bột đường như cơm, cháo, bún, bánh mì, bánh quy…
  • Tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây (trái cây ngọt thì không nên sử dụng nhiều), các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau và củ khoai lang…
  • Ăn nhạt ít hơn 6 gam muối hay 1 thìa cà phê muối mỗi ngày
  • Hạn chế tối đa các thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn vì có chứa nhiều chất phụ gia, chất bảo quản, chất béo công nghiệp bởi các chất này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo như nội tạng động vật, thịt mỡ, da gà vịt, đồ chiên rán…
  • Giảm sử dụng các thực phẩm giàu đạm, chỉ nên sử dụng ở mức 8g đạm/Kg cân nặng/ngày

Tiểu đường biến chứng suy thận có thể gây ra rất nhiều hậu quả nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Nhưng bằng một chế độ ăn uống khoa học, vận động thể chất đều đặn kết hợp với dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp giảm nhẹ và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Ds.Cao Ngọc Hải

Nguồn: https://patient.info/health/diabetes-mellitus-leaflet/diabetic-kidney-disease

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận