Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Hạ đường huyết: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí nhanh nhất

Nếu bạn đang điều trị tiểu đường, đặc biệt là dùng insulin, bạn có nguy cơ bị hạ đường huyết một tình trạng nguy hiểm xảy ra khi lượng glucose trong máu tụt xuống mức quá thấp. Mặc dù vậy, nếu biết cách phát hiện và xử trí kịp thời, hạ đường huyết sẽ không còn nguy hiểm!

Hạ đường huyết là biến chứng cấp tính khá phổ biến ở người tiểu đường

Hạ đường huyết là biến chứng cấp tính khá phổ biến ở người tiểu đường

Hạ đường huyết là gì?

Mức độ glucose trong máu giảm xuống dưới giới hạn cho phép được gọi là hạ đường huyết (hypoglycemia).

Đối với người bệnh tiểu đường, “giới hạn” này thường là 70mg/dL (3.9 mmol/l), một số người có thể dưới 3.5 mmol/l. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi khác nhau ở từng người, tùy thuộc vào tình trạng bệnh.

Dấu hiệu hạ đường huyết?

Khi nồng độ đường trong máu xuống thấp, cơ thể sẽ ngay lập tức báo động bằng hàng loạt các triệu chứng sau đây:

  • Run rẩy, hoảng hốt
  • Vã mồ hôi
  • Đói bụng, đói cồn cào
  • Nhức đầu, mờ mắt, đầu óc quay cuồng
  • Buồn ngủ, mệt mỏi, tái nhợt
  • Nhầm lẫn, mất phương hướng
  • Cáu kỉnh, lo lắng
  • Khó tập trung
  • Tim đập thình thịch, nhịp tim nhanh hoặc bất thường

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn: Không thể ăn hoặc uống, co giật, bất tỉnh… do não bị thiếu năng lượng.

Hướng dẫn cách xử trí khi bị hạ đường huyết

Khi bắt đầu nhận thấy triệu chứng hạ glucose máu, việc đầu tiên bạn nên làm là kiểm tra đường huyết. Nếu kết quả dưới 70mg/dL hoặc dưới giới hạn cho phép (theo hướng dẫn của bác sỹ), bạn nên ăn hoặc uống ngay 15gr carbohydrate (chất bột, đường) có trong:

  • 4 viên glucose
  • 120ml (nửa cốc) nước ép trái cây không thêm đường. Lưu ý: Người bị bệnh thận không nên uống nước cam bởi nó chứa nhiều kali, nên chọn nước ép táo, nho.
  • 120 – 180ml soda ít calo hoặc soda ít đường
  • 1 muỗng đường/mật ong
  • 2 muỗng nho khô

Sau đó, bạn chờ 15 phút rồi kiểm tra lại đường huyết một lần nữa. Nếu vẫn còn thấp, bạn nên bổ sung tiếp 15gr carbohydrate nữa rồi kiểm tra lại đường huyết sau 15 phút. Lặp lại như vậy cho đến khi đường huyết về mức bình thường.

Một cốc nước ép trái cây sẽ rất hữu ích khi bị hạ đường huyết

Một cốc nước ép trái cây sẽ rất hữu ích khi bị hạ đường huyết

Điều trị hạ đường huyết khi uống acarbose hoặc miglitol

Sử dụng acarbose hoặc miglitol cùng với thuốc trị tiểu đường có thể gây hạ đường huyết, bạn cần phải uống đường glucose hoặc gel glucose nếu đường huyết hạ quá thấp (ăn/uống các nguồn carbohydrate không thể hồi phục đường huyết nhanh chóng).

Xử trí khi bị hạ đường huyết nghiêm trọng

Khi bạn bị hạ đường huyết nghiêm trọng không thể tự mình xử trí, hãy nhờ ai đó tiêm một mũi glucagon và gọi cấp cứu. Glucagon sẽ làm tăng glucose trong máu một cách nhanh chóng.

Nếu bạn bị hạ đường huyết thường xuyên hoặc đã từng bị hạ đường huyết nặng, luôn mang theo người một mẩu giấy ghi “Tôi bị tiểu đường, có thể tôi đang bị hạ đường huyết, hãy giúp tôi gọi cấp cứu!”

Nguyên nhân hạ đường huyết

Insulin và một số thuốc kích thích sản xuất insulin (như sulfonylurea, meglitinide) gây tác dụng phụ hạ đường huyết. Ngoài ra, các yếu tố sau đây sẽ làm tăng nguy cơ của bạn:

  • Không ăn đủ chất đường bột (carbohydrate) phù hợp với liều lượng thuốc mà bạn uống.
  • Nhịn ăn hoặc cách bữa quá lâu, hạ đường huyết có thể xảy ra khi bạn ngủ và không ăn trong nhiều giờ
  • Tăng hoạt động thể chất bất thường, điều này làm giảm mức glucose trong máu đến 24 giờ sau khi hoạt động.
  • Uống rượu thay cơm (có thể gây hạ đường huyết nặng)
  • Ốm bệnh

Hạ đường huyết có nguy hiểm không?

Sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu đường huyết hạ xuống mức quá thấp và bạn không thể tự mình xử trí được. Đặc biệt, nếu tình trạng này xảy ra khi bạn đang lái xe, leo cầu thang hoặc vận hành máy móc, bạn sẽ có nguy cơ cao bị tai nạn và chấn thương.

Hạ đường huyết ở người tiểu đường tuýp 1 thường dễ bị nặng hơn so với tiểu đường tuýp 2.

Như vậy, bạn đã biết được hạ đường huyết là bệnh gì và xử trí ra sao hay chưa? Bạn nên lưu lại bài viết này và hướng dẫn lại cho người thân, có thể một lúc nào đó họ sẽ giúp bạn xử trí hạ đường huyết!

Kim Chi

Nguồn:

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/low-blood-glucose-hypoglycemia

http://www.joslin.org/info/is_low_blood_glucose_hypoglycemia_dangerous.html

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận