Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

lnsulin – Thuốc tiêm chích cho người tiểu đường [Giải đáp câu hỏi thường gặp]

Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho người tiểu đường type 1 và type 2 tất tần tật các thắc mắc về thuốc tiêm lnsulin: công dụng, cách dùng, thời điểm nên tiêm, tác dụng phụ có thể gặp phải và cách xử trí.

lnsulin có nhiều dạng khác nhau, người tiểu đường cần tìm hiểu thật kỹ trong quá trình sử dụng

lnsulin có nhiều dạng khác nhau, người tiểu đường cần tìm hiểu thật kỹ trong quá trình sử dụng

Insulin là gì? Vai trò của insulin với người tiểu đường?

Insulin vốn là một hormon do tuyến tụy của cơ thể tiết ra, thực hiện nhiệm vụ: Vận chuyển đường glucose từ máu vào trong tế bào cho cơ thể sử dụng và đưa đường glucose tới gan dự trữ để sử dụng khi cơ thể bị đói năng lượng mà chưa kịp cung cấp bằng thức ăn. Ngoài ra, insulin còn tham gia vào vai trò chuyển hóa và dự trữ chất béo trong cơ thể. Thiếu hụt insulin không chỉ là nguyên nhân khiến đường máu tăng cao, mà còn gây rối loạn quá trình tích trữ và phân bố mỡ trong cơ thể.

Sự có mặt của insulin trong máu giúp con người giữ chỉ số đường ở ngưỡng cho phép, không tăng quá cao cũng không hạ quá thấp.

Insulin được tiêm khi nào?

Thời điểm tiêm insulin được quyết định dựa vào phân loại bệnh tiểu đường và chỉ số đường huyết.

Người tiểu đường type 1

Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do tuyến tụy không có khả năng sản xuất lnsulin. Vì vậy ngay từ thời điểm phát hiện sẽ được tiêm lnsulin ngay lập tức. Họ cũng sẽ phải phụ thuộc suốt đời vào việc tiêm lnsulin để giữ cho mức đường huyết ổn định.

Với người tiểu đường type 2

Giai đoạn đầu, tuyến tụy của người tiểu đường type 2 vẫn sản xuất insulin bình thường. Thế nhưng theo thời gian hiện tượng kháng insulin (insulin làm việc không hiệu quả) xuất hiện và ngày càng nặng lên, buộc tuyến tụy phải sản xuất insulin nhiều hơn. Giống như người chạy bộ đường dài, tuyến tụy làm việc càng nhiều trở nên “kiệt sức” và lượng insulin ngày càng giảm dần. Đó là thời điểm mà người tiểu đường type 2 phải tiêm insulin.

Để xác định thời điểm này, bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số đường huyết. Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội:

  • Người tiểu đường type 2 sẽ được khởi trị tiêm insulin khi chỉ số HbA1c cao trên 10mmol/l hoặc người bệnh có các triệu chứng rõ ràng của việc tăng đường huyết cấp tính: uống nhiều, tiểu nhiều, hơi thở có mùi trái cây lên men…
  • Các trường hợp khác phải tiêm insulin khi đã điều trị bằng 3 – 4 loại thuốc uống phối hợp nhưng mức đường huyết trên 10mmol/l hoặc HbA1c trên 8.5%. Hoặc người tiểu đường có nhiều biến chứng phối hợp như biến chứng thận hoặc biến chứng tim mạch.
  • Ngoài ra, một số thời điểm mà người tiểu đường type 2 cần chuyển sang tiêm insulin tạm thời bao gồm: những lúc ốm sốt, nhiễm trùng, nhập viện do chấn thương…

Mẹ bầu bị tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ

Nên theo dõi đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn thường xuyên khi dùng insulin

Nên theo dõi đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn thường xuyên khi dùng insulin

Mẹ bầu bị tiểu đường từ trước đó sẽ được chuyển từ thuốc uống sang tiêm insulin để an toàn cho thai kỳ. Tương tự như vậy với trường hợp bị tiểu đường thai kỳ nhưng không thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn uống, luyện tập sẽ được chỉ định tiêm thêm insulin.

Người tiểu đường type 2 tiêm insulin hay uống thuốc tốt hơn?

Không có sự khẳng định chắc chắn cho câu hỏi tiêm insulin hay dùng thuốc uống tốt hơn. Bởi điều này hoàn toàn phụ thuộc vào mức đường huyết và thể trạng của người đó. Lấy ví dụ, các trường hợp mới phát hiện tiểu đường type 2, nếu đường huyết chưa quá cao, vẫn có thể kiểm soát bằng thuốc và ăn uống, sinh hoạt thì chưa nên tiêm insulin ngay. Ngược lại, vào các thời điểm cần thiết (như đã nói ở trên), chuyển sang tiêm insulin là cần thiết để giúp giữ đường huyết ổn định, bảo vệ tuyến tụy của cơ thể.

Tổng hợp các thuốc tiêm insulin

Theo phân loại, insulin được chia ra theo nguồn gốc xuất xứ hoặc theo thời gian tác dụng.

Theo nguồn gốc xuất xứ

Insulin có nguồn gốc từ bò hoặc có nguồn gốc từ người. Hiện nay chủ yếu sử dụng insulin có nguồn gốc từ người vì hiệu quả cao hơn, ít tác dụng phụ hơn.

Theo thời gian tác dụng

Đây là cách phân loại thông dụng nhất với các dạng sau:

Insulin tác dụng nhanh

Loại thuốc này thường có tác dụng 15 – 30 phút sau tiêm và duy trì hiệu quả trong vòng 5 – 7 giờ. Thuốc thường được dùng trong trường hợp cấp tính để cấp cứu người bị tăng đường huyết, hôn mê do nhiễm toan ceton hoặc tăng áp lực thẩm thấu. Loại insulin này có tên gọi chung là Insulin analog, ví dụ như Humalog, Novolog…

Insulin tác dụng trung bình

Tên của loại insulin này thường có gắn thêm từ HPH. Sau khi tiêm, thuốc sẽ có tác dụng khoảng 2 – 4 giờ và duy trì hiệu quả trong vòng 10 – 20 giờ.

Insulin tác dụng kéo dài

Để tránh việc phải tiêm insulin nhiều lần trong ngày, cũng như giúp ổn định chỉ số đường huyết hiệu quả hơn, nhiều công ty dược cho ra đời dạng insulin có tác dụng kéo dài. Thuốc sau khi tiêm sẽ phát huy hiệu quả sau 30 phút và thường giữ được tác dụng trong khoảng 24 – 48 giờ.

Insulin trộn hay insulin mix

Insulin trộn sẵn gồm 2 loại tác dụng nhanh và tác dụng dài trong một lọ hoặc một bút tiêm. Ưu điểm của dạng này là vừa giúp thuốc có hiệu quả nhanh, vừa kéo dài được thời gian tác dụng để tránh người bệnh phải tiêm nhiều lần.

Hiện nay có các loại chủ yếu insulin Mixtard 30, Novomix 30,  Humalog Mix 70/30, Humalog Mix 75/25, Humalog 50/50.

Mặc dù chi phí đắt, nhưng dạng bút tiêm insulin dễ sử dụng và cho hiệu quả cao hơn dạng tiêm thông thường

Mặc dù chi phí đắt, nhưng dạng bút tiêm insulin dễ sử dụng và cho hiệu quả cao hơn dạng tiêm thông thường

Bảng tổng hợp các loại insulin đang có mặt tại Việt Nam

Bảng tổng hợp các loại insulin đang có mặt tại Việt Nam

Tác dụng phụ thuốc tiêm insulin

Sau đây là những tác dụng từ phổ biến đến hiếm gặp của insulin và cách khắc phục.

Hạ glucose huyết cấp tính

Người tiểu đường type 1 thường gặp biến chứng hạ đường huyết khi tiêm insulin nhiều hơn người tiểu đường type 2. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu do tiêm quá liều, bỏ bữa ăn hoặc ăn muộn sau khi tiêm.

Dấu hiệu nhận biết triệu chứng hạ đường huyết bao gồm: đói, bồn chồn, hoa mắt, vã mồ hôi, tay chân lạnh, bứt rứt, lú lẫn, nhìn mờ, mệt mỏi, nhức đầu, nói khó. Mức glucose máu xuống càng thấp có thể dẫn tới co giật, hôn mê rất khó khắc phục.

Chính vì lý do đó, mà ngay khi gặp triệu chứng hạ đường huyết, người bệnh tiểu đường cần nhanh chóng xử lý bằng những hướng dẫn trong bài viết sau: Nhận biết dấu hiệu hạ đường máu và cách khắc phục.

Uống một cốc nước ép trái cây cũng giúp xử lý tức thời trong trường hợp hạ đường huyết

Uống một cốc nước ép trái cây cũng giúp xử lý tức thời trong trường hợp hạ đường huyết

Tăng đường huyết bình minh

Hiện tượng này lý giải vì sao nhiều người tiểu đường tiêm insulin vào sáng sớm mai đường huyết lên cao. Nguyên nhân là do hiện tượng điều hòa ngược của cơ thể do tiêm quá liều insulin. Nếu gặp phải hiện tượng này, người bệnh cần đến bệnh viện trao đổi với bác sĩ để được hiệu chỉnh liều.

Tác dụng phụ hiếm gặp hơn

Một số tác dụng không mong muốn khác có thể gặp phải khi dùng insulin thường xuyên như loạn dưỡng mô mỡ do tiêm sai cách hoặc tăng cân.

Một số lưu ý giúp dùng thuốc tiêm tiểu đường an toàn

Ngoài các thông tin liên quan đến liều dùng, thời gian dùng và tác dụng phụ, người tiểu đường cần biết thêm một số lưu ý sau:

  • Hiện trên thị trường có 2 loại là 40 IU/mL (U 40-một lọ 10 ml có 400 đơn vị) và 100 IU/mL (U100- một lọ 10 ml có 1000 đơn vị). Do đó, người bệnh cần chú ý phải dùng loại ống tiêm phù hợp với nồng độ thuốc: insulin loại U 40 phải dùng ống tiêm insulin 1ml = 40 IU, insulin U100 phải dùng ống tiêm 1ml=100IU.
  • Insulin nên được lưu trữ tốt nhất ở nhiệt độ 2 – 8 độ C. Nếu không có tủ lạnh, bạn có thể bảo quản insulin trong nhiệt độ phòng dưới 30 độ C. Tuy nhiên thời gian dự trữ insulin không nên quá 1 tháng. Trong trường hợp insulin được lưu trữ ở nhiệt độ trên 30 độ C sẽ giảm tác dụng.

Nói tóm lại, insulin có nhiều dạng khác nhau, thời gian tác dụng khác nhau, nên người bệnh khi dùng cần đọc kỹ thông tin trong tờ toa hướng dẫn. Ngoài việc dùng insulin theo đúng liều dùng, thời gian, cần tiếp tục điều chỉnh chế độ ăn cân đối và tham gia luyện tập thường xuyên.

Lê Hoa

Nguồn:

https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682611.html

https://www.healthline.com/health/diabetes/insulin-injection

https://www.drugs.com/cg/how-to-give-an-insulin-injection.html

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận