Logo bacsitieuduong.vn
0985 877 724-0962 326 300

Thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay và điều cần biết trước khi dùng

Có rất nhiều loại thuốc có tác dụng hạ đường huyết nên khó để biết loại nào là tốt nhất. Bài viết sau đây sẽ giải thích cho bạn các loại thuốc hạ đường huyết phổ biến hiện nay đang có sẵn trên thị trường cũng như công dụng của chúng với cơ thể.

Có nhiều loại thuốc hạ đường huyết với những cơ chế tác động khác nhau lên cơ thể

Có nhiều loại thuốc hạ đường huyết với những cơ chế tác động khác nhau lên cơ thể

Khi nào người tiểu đường cần dùng thuốc hạ đường huyết?

Bệnh tiểu đường đặc trưng bởi lượng đường tăng cao trong máu. Tình trạng tăng đường huyết xảy ra khi insulin không đủ hoặc làm việc kém năng suất. Khi đó, cơ thể phải tự điều chỉnh để làm giảm đường huyết trong ngưỡng cho phép.

Có hai loại bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường tuýp 1 do thiếu insulin tuyệt đối nên ngay tại thời điểm phát hiện cần tiêm insulin suốt đời. Bệnh tiểu đường tuýp 2 cần thay đổi lối sống trước tiên, thuốc uống hay thuốc tiêm chỉ được sử dụng khi phương pháp không dùng thuốc kém có hiệu quả.

Theo Ths.Bs Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội: Mức đường huyết lúc đói ≥ 7mmol/l (126 mg/dl), hoặc HbA1c ≥ 6.5% người tiểu đường tuýp 2 cần khởi trị bằng 1 loại thuốc viên để hạ đường huyết. Mức đường huyết ≥ 8mmol/l hoặc HbA1c trên 7% cần khởi trị bằng 2 – 3 loại thuốc viên hạ đường huyết. Khi đã kết hợp 3 – 4 loại thuốc uống mà mức đường huyết không đạt yêu cầu, cần sử dụng insulin đường tiêm. Thời điểm ban đầu kết hợp 1- 2 thuốc uống cùng thuốc tiêm, nhưng nếu HbA1c vẫn trên 9% cần chuyển sang tiêm insulin hoàn toàn.

Có cần dùng thuốc hạ đường huyết suốt đời không?

Nhiều người tiểu đường lo sợ rằng việc dùng thuốc hạ đường huyết là rất có hại, vì vậy tâm lý chung là muốn bỏ thuốc.

Thực tế, Ths.Bs Nguyễn Huy Cường có chia sẻ rất thú vị như thế này: Bạn hãy tưởng tượng việc uống thuốc giống như trời rét chúng ta cần mặc áo ấm. Nếu trời lạnh 8 độ C, mặc 2 áo rét chưa đủ, cần mặc thêm cái thứ 3 hoặc choàng thêm khăn ấm. Khi đó cơ thể của bạn sẽ được bảo vệ, bạn đủ ấm rồi, nhưng chỉ cần bỏ bớt một chiếc áo đi, bạn sẽ thấy lạnh trở lại. Tương tự như vậy, khi điều trị bằng thuốc hạ đường huyết, đường huyết đã về ngưỡng ổn định cho phép, ví dụ dưới 7mmol/l là điều rất đáng quý. Do đó, chúng ta cần tiếp tục duy trì đến suốt đời chứ không phải là ngưng hay bỏ thuốc hoàn toàn.

Dùng dụng cụ chia thuốc theo tuần giúp bạn tránh bỏ quên liều

Dùng dụng cụ chia thuốc theo tuần giúp bạn tránh bỏ quên liều

Các loại thuốc giúp hạ đường huyết

Thuốc viên hạ đường huyết

Thuốc viên chỉ được chỉ định cho người bệnh tiểu đường tuýp 2, được chia thành nhiều nhóm khác nhau. Dưới đây là tất cả các thuốc viên điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2 đang được sử dụng tại Việt Nam.

Nhóm Sulfonylureas

Những thuốc trong nhóm này có tác dụng giúp tăng tiết insulin vào máu, từ đó sẽ giảm đường huyết. Các loại thuốc trong nhóm này được ưu tiên lựa chọn bao gồm: glimepiride (Amaryl), Glipizide (Glucotrol), glyburide (DiaBeta, Micronase, Glynase). So với trước đây, nhóm thuốc này hiện nay ít được kê toa hơn, nguyên nhân là do tác dụng phụ hạ đường huyết và một số tác dụng không mong muốn khác trên cơ thể.

Nhóm Meglitin

Nhóm thuốc này sẽ giúp tăng cường bài tiết insulin, đặc biệt là hỗ trợ tiết insulin trong bữa ăn, nên nhờ đó giúp hạ đường huyết sau ăn. Một số thuốc hiện nay được sử dụng bao gồm: nargetlinide (Starlix), repaglinide (Prandin).

Nhóm biguanide

Nhóm thuốc này giúp làm tăng hiệu quả làm việc của insulin, đồng thời làm giảm glucose máu bằng cách ức chế gan sản xuất glucose và làm tăng sử dụng glucose tại các tế bào. Metformin hiện này là thuốc duy nhất còn được sử dụng của nhóm biguanide với một số tên thương mại như Glucophage XR, Glumetza, Riomet và Fortamet. Đây được xem là lựa chọn đầu tay cho người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Metformin thường được chỉ định trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường

Metformin thường được chỉ định trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường

Nhóm thiazolidinediones

Nhóm thuốc này có tác dụng làm tăng tính nhạy cảm của insulin với các mô của cơ thể và làm giảm rối loạn mỡ máu. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn tới các tác dụng phụ nghiêm trọng, vì vậy cần được bác sĩ theo dõi cẩn thận trọng quá trình sử dụng. Không nên sử dụng cho người bệnh suy tim vì thuốc gây dự trữ nước, có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. Một số thuốc thường dùng pioglitazone (Actos) và rosiglitazone (Avandia).

Nhóm ức chế alpha – glucosidase

Thuốc giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu chất bột, đường, nhờ đó giúp làm giảm đường huyết sau ăn. Tên các hoạt chất thường dùng gồm acarbose (Precose), miglitol (Glyset).

Nhóm thuốc ức chế DPP – 4

Các chất ức chế DPP – 4 (dipeptidyl pepdidase) giúp làm chậm rỗng dạ dày, nhờ đó giúp làm chậm hấp thu glucose vào máu. Một số thuốc thường dùng gồm: alogliptin (Nesina), linagliptin (Tradjenta), sitagliptin (Januvia), saxagliptin (Onglyza).

Nhóm ức chế SGLT2

Các thuốc trong nhóm này có tác dụng khiến cơ thể thải glucose từ máu vào nước tiểu, nhờ đó giúp làm giảm đường huyết, đồng thời chúng có thể làm giảm cân nặng, đây cũng được xem là một lợi ích cho người bệnh tiểu đường tuýp 2.

Các thuốc trong nhóm này thường được sử dụng bao gồm: canagliflozin (Invokana), dapagliflozin (Farxiga), empagliflozin (Jardiance).

Nhóm bắt chước tác dụng incretin

Thuốc bắt chước tác dụng của hormon incretin có tác dụng kích thích giải phóng insulin sau bữa ăn, bao gồm: exenatide (Byetta, Bydureon), liraglutide (Victoza), dulaglutide (Trulomatic), lixisenatide (Adlyxin), semaglutide (Ozempic).

Thuốc tiêm hạ đường huyết

Insulin cần được tiêm đúng cách để hạn chế tác dụng phụ loạn dưỡng mỡ dưới da

Insulin cần được tiêm đúng cách để hạn chế tác dụng phụ loạn dưỡng mỡ dưới da

Insulin là loại thuốc tiêm hiện nay đang được sử dụng để điều trị bắt buộc cho người tiểu đường tuýp 1. Người tiểu đường tuýp 2 cũng sẽ cần dùng insulin khi đã dùng thuốc uống mà không hiệu quả. Hoặc insulin cũng được sử dụng trong các giai đoạn cấp tính khi đường huyết tăng quá cao.

Người bệnh tiểu đường thường sẽ được hướng dẫn để tự tiêm insulin dưới da, với trường hợp nhập viện cấp cứu được truyền insulin theo đường tĩnh mạch. Hiện nay có một số dạng bào chế khác của insulin như dạng bột hít vẫn cần được theo dõi. Dạng bào chế bằng thuốc uống vẫn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tại các nước tiên tiến trên thế giới, trẻ em khi bị tiểu đường tuýp 1 thường được khuyến cáo dùng bơm tiêm insulin. Loại bơm này sẽ được lập trình sẵn để tiết insulin, nhờ đó giúp ổn định đường máu hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số dạng thuốc tiêm insulin thường dùng:

  • Insulin tác dụng nhanh sẽ có hiệu quả trong vòng 5 – 15 phút, kéo dài ngăn trong khoảng 2 – 4 giờ. Ví dụ Humalog, Novolog, Apadra…
  • Insulin tác dụng ngắn có hiệu quả sau 30 phút – 1 giờ và kéo dài 3- 8 giờ. Ví dụ Humurin R và Novolin R.
  • Insulin có tác dụng trung bình, có hiệu quả sau 1 – 4 giờ và kéo dài trong 12 – 18 giờ ví dụ Humulin N, Novolin N.
  • Insulin tác dụng kéo dài, có tác dụng sau 1 – 2 giờ và kéo dài trong khoảng 14 – 24 giờ, ví dụ Levemir, Toujeo…

Ngoài ra, cũng có những loại insulin được trộn sẵn theo công thức quy định để kéo dài thời gian và hiệu quả của thuốc. Tác dụng của thuốc sau khoảng 5 phút – 1 giờ và kéo dài trong 10 – 24 giờ, ví dụ Humalog Mix 75/25, Humalog Mix 50/50, Novolog Mix 70/30…

Nếu bạn đang tiêm insulin, đừng bỏ qua bài viết sau:

Thuốc nam (thảo dược) hỗ trợ hạ đường máu

Khi chưa có thuốc tây hạ đường huyết, ông cha ta từ xa xưa đã tự chữa bệnh bằng các loại cây cỏ, hoa lá. Trước kia chúng được coi là bài thuốc dân gian, sử dụng theo kinh nghiệm truyền miệng. Thế nhưng ngày nay, dưới ánh sáng khoa học hiện đại, nhiều thảo dược đã được chứng minh có tác dụng vượt trội trong việc hạ đường huyết. Ưu điểm của các cây cỏ là an toàn, lành tính, sử dụng hoàn toàn lâu dài không sợ hại gan thận.

Ngoài các phương pháp điều trị bằng tây y, sử dụng thêm các bài thuốc đông y giúp tăng hiệp đồng tác dụng, nhờ đó bảo vệ toàn diện sức khỏe cho người tiểu đường.  Thông tin cụ thể về các thảo dược có tác dụng hạ đường huyết, bạn tìm hiểu chi tiết trong bài viết 10 cây thuốc chữa tiểu đường có hiệu quả hạ đường huyết tốt nhất.

Trong dân gian lá Xoài được sử dụng để hạ đường huyết

Trong dân gian lá Xoài được sử dụng để hạ đường huyết

Thuốc bổ cho người tiểu đường

Tùy thuộc vào thể trạng, điều kiện kinh tế và sức khỏe mà người tiểu đường có thể chọn uống thêm các loại thuốc bổ (hay thực phẩm chức năng) có tác dụng tốt cho tim mạch, thận, xương khớp hay mắt. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tìm hiểu kỹ về thành phần, nhà sản xuất và công dụng trước khi sử dụng. Tốt nhất nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Có thể bạn quan tâm:

Thuốc hạ đường huyết có hại không?

Công dụng của thuốc tiểu đường là giúp hạ đường huyết nhưng đôi khi chúng có thể dẫn tới một số tác dụng không mong muốn, chẳng hạn như gây tăng cân quá mức, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa lipid máu… Một số tác dụng hiếm gặp hơn như dị ứng thuốc, nổi mẩn ngứa, giữ nước, độc cho gan – thận.

Một tác dụng phụ nữa cũng thường gặp ở thuốc tiêm insulin là gây hạ đường huyết quá mức. Tác dụng này thường xảy ra do dùng thuốc không đúng thời gian hoặc dùng thuốc quá liều.

Cách dùng thuốc hạ đường huyết an toàn

Mặc dù có thể dẫn tới một số tác dụng không mong muốn, thế nhưng theo các chuyên gia, lợi ích mà thuốc mang lại lớn hơn nhiều lần so với rủi ro. Do đó, việc dùng thuốc suốt đời là điều bắt buộc.

Để hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn có thể gặp phải khi dùng thuốc, có 3 lưu ý mà người tiểu đường nên ghi nhớ:

  • Dùng thuốc đúng liều, đúng chỉ định, đúng giờ. Nếu bạn là người hay quên, hãy chuẩn bị chuông điện thoại để đặt báo thức thời gian dùng thuốc hoặc nhờ bạn bè, người thân nhắc nhở.
  • Không tự ý ngưng hoặc giảm liều thuốc.
  • Không tự ý thay thế các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Mặc dù chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh tiểu đường, nhưng có rất nhiều loại thuốc hạ đường huyết, giúp bạn kiểm soát đường máu trong giới hạn cho phép, để từ đó lạc quan sống khỏe, sống vui cùng gia đình.

Lê Hoa

Nguồn:

https://www.healthline.com/health/diabetes/medications-list

https://www.medicalnewstoday.com/articles/311300.php

https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/insulin-medicines-treatments

    Viết bình luận
    Theo dõi
    Thông báo
    guest
    0 Bình luận
    Phản hồi nội tuyến
    Xem tất cả các bình luận