Cách đo đường huyết: Những bước thực hiện và thời điểm tiến hành
Đo đường huyết là công việc không thể thiếu khi mắc tiểu đường, nhằm đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị. Nếu mới mua máy đo đường huyết cầm tay, bạn có thể bỡ ngỡ chưa rõ cách đo đường huyết thế nào là đúng. Hãy cùng Giamduonghuyet.vn tìm hiểu về các bước thực hiện và những thời điểm nên kiểm tra đường huyết trong ngày nhé!
Tại sao cần đo đường huyết thường xuyên?
Xét nghiệm đường huyết là phương pháp chẩn đoán chính xác bệnh tiểu đường. Ở những người đã được chẩn đoán bệnh, vẫn phải kiểm tra đường huyết thường xuyên để theo dõi tiến triển của bệnh, cũng như đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều chỉnh đang áp dụng. Nếu glucose máu cao có nghĩa là cách kiểm soát bệnh tiểu đường mà bạn đang áp dụng không đạt hiệu quả, cần phải sớm thay đổi.
Đo đường huyết lúc nào?
Bạn nên kiểm tra đường huyết định kỳ tại bệnh viện sau 2 – 3 tháng, hoặc 1 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị cho mình cả một thiết bị đo đường huyết cầm tay để kiểm tra đường huyết tại nhà. Khi đó, bạn nên đo đường huyết vào những thời điểm sau:
- Đo đường huyết vào buổi sáng sớm khi chưa ăn gì: Nhằm đánh giá biến động đường huyết theo ngày.
- Đo đường huyết sau khi ăn: Giúp theo dõi đường huyết sau ăn 2 giờ, bởi tăng đường huyết sau ăn làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
- Đo đường huyết trước và sau khi tập luyện: Nhằm kiểm tra đường huyết có xuống quá thấp sau khi tập luyện hay không để có sự điều chỉnh.
- Đo đường huyết trước khi đi ngủ để tránh hiện tượng tụt đường huyết ban đêm.
Bạn cũng có thể đo đường huyết bất cứ khi nào bạn cảm thấy mệt mỏi, nhức đầu, choáng váng, vã mồ hôi, đói cồn cào, hơi thở có mùi lạ hoặc sau khi ăn loại thực phẩm mà trước đó bạn chưa từng ăn.
Cách đo đường huyết tại bệnh viện
Trước khi kiểm tra, để có kết quả đường huyết chính xác, bạn sẽ phải nói với bác sĩ loại thuốc mình đang sử dụng bao gồm cả thuốc theo đơn, thuốc không theo đơn và các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, do đó, bác sĩ sẽ yêu cầu dừng uống thuốc hoặc thay đổi liều lượng phù hợp trước khi tiến hành lấy mẫu xét nghiệm.
Nếu bạn vừa phục hồi từ chấn thương sau phẫu thuật, sau đột quỵ hoặc sau cơn nhồi máu cơ tim thì mức độ đường huyết trong máu sẽ bị ảnh hưởng. Bạn cần thông báo với bác sĩ điều trị để kết quả đo được tính toán một cách chính xác nhất.
Hướng dẫn cách đo đường huyết chính xác tại nhà
Để đo đường huyết chính xác, bạn cần trải qua lần lượt 7 bước sau đây:
- Chuẩn bị dụng cụ: Gồm máy đo đường huyết, que thử, thiết bị chích ngón tay, lưỡi chích, bông y tế và cuốn nhật ký đo đường huyết.
- Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm, sau đó lau khô tay bằng khăn bông sạch để tránh nhiễm khuẩn. Mặt khác, rửa tay bằng nước ấm sẽ giúp máu lưu thông qua nơi cần lấy máu nhanh hơn.
- Lắp thiết bị chích ngón tay với lưỡi chích mới theo hướng dẫn của từng loại máy. Sau đó lấy một que thử gắn vào máy đo đường huyết và bật máy.
- Hiệp hội Đái tháo đường thế giới khuyến cáo nên lấy máu ở ngón tay trỏ hoặc ngón giữa, má bên trong lòng bàn tay nhưng chếch sang hướng bên phải, hoặc trái sẽ đỡ đau hơn ở giữa ngón. Nặn nhẹ đầu ngón tay để máu chảy ra, nếu chưa thấy máu, chích lại một lần nữa.
- Thấm máu vào que thử, lưu ý là phải chắc chắn rằng máy đã được bật. Sau đó đợi 10s và đọc kết quả.
- Dùng bông cồn thấm sạch máu thừa, tháo que thử và lắp lại máy đo đường huyết.
- Ghi lại kết quả vào sổ nhật ký mà bạn đã chuẩn bị sẵn trước đó.
Các chỉ số cần lưu ý sau khi đo đường huyết
Dưới đây là bảng số liệu tiêu chuẩn về một số kết quả sau khi kiểm tra đường huyết. Nếu đường huyết tăng cao, vượt ngoài ngưỡng giá trị cho phép, bạn cần sớm đến bệnh viện trao đổi cùng bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời.
Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn đã biết cách đo đường huyết chính xác, cũng như nhận định được sơ bộ ý nghĩa của kết quả kiểm tra đường huyết mà mình vừa tiến hành.
Ds. Xuân Thủy
Tham khảo: http://www.healthline.com/health/glucose-test-blood#overview1
[…] xét nghiệm đo chỉ số đường huyết trong thời gian nhịn đói ít nhất 8 tiếng, và thường được thực hiện vào […]