10 loại thuốc tây mới nhất chữa bệnh tiểu đường hiệu quả
Trong vài năm trở lại đây, có rất nhiều loại thuốc mới có khả năng chữa bệnh tiểu đường được phê duyệt. Chúng tập trung vào việc bắt chước tác dụng cải thiện hoạt động của hormon incretin để tăng sản xuất insulin, hoặc ức chế SGLT2 giúp tăng đào thải đường qua nước tiểu. Đồng thời với dòng thuốc tiêm insulin nhiều dạng kết hợp cũng được đưa ra thị trường nhằm đẩy nhanh hoặc kéo dài thời gian tác dụng của thuốc. Dạng bột hít insulin đã được FDA phê duyệt và dạng thuốc uống insulin vẫn tiếp tục trong giai đoạn nghiên cứu.
Khi các loại thuốc mới ra đời, thông thường chúng sẽ ưu việt hơn dòng thuốc cũ ở một vài điểm nhất định, chẳng hạn như vừa giúp ổn định đường huyết, vừa cải thiện các thông số liên quan đến huyết áp, mỡ máu. Thế nhưng bù lại, chi phí điều trị của người bệnh sẽ tăng cao hơn gấp vài chục lần so với các thuốc điều trị cũ trước đây. Mặt khác, người bệnh cũng sẽ phải chấp nhận một rủi ro là có thể gặp phải những tác dụng phụ chưa được liệt kê trong nghiên cứu trước đó. Bởi khi thuốc ra đời, cần ít nhất 5 – 10 năm sử dụng trên thị trường mới có thể đánh giá hết tác dụng phụ tiềm ẩn.
Exenatide gồm 2 biệt dược Byetta và Bydureon – Thuốc mới nhất bắt chước tác dụng của incretin
Byetta, Bydureon đều được dùng dạng thuốc tiêm nên chi phí sử dụng khá tốn kém
Exenatide là thuốc tiêm, dùng để chữa bệnh tiểu đường type 2 nhờ cơ chế bắt chước tác dụng của hormon incretin. Thuốc làm việc bằng cách tăng bài tiết insulin từ tuyến tụy, làm giảm tác dụng của glucagon (hormon làm tăng lượng đường trong máu) và làm chậm hấp thu glucose từ ruột. Bên cạnh đó, Exenatide còn giúp làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, nhờ đó làm giảm hấp thu đường từ máu, giúp làm giảm đường huyết sau ăn và giảm thèm ăn.
Exenatide ít khi được sử dụng một mình mà thường được phối hợp cùng các nhóm thuốc khác để làm giảm đường huyết ở những bệnh nhân không đáp ứng với Metformin, hoặc đã kết hợp Metformin cùng các nhóm thuốc khác.
Một số lưu ý khác khi sử dụng loại thuốc này:
- Thuốc được tiêm tĩnh mạch 2 lần mỗi ngày sau khi ăn
- Giúp giảm cân nhanh chóng do giảm thèm ăn.
- Thuốc có thể gây nôn, buồn nôn, hạ đường huyết, tiêu chảy, đau đầu, đau bụng, tăng tiết mồ hôi…
- Thuốc Exenatide không được kê toa cho người bệnh tiểu đường type 1.
Bạn không nên sử dụng thuốc này nếu đang chạy thận nhân tạo, chậm tiêu hóa, nhiễm toan ceton, ung thư tuyến giáp. Ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức nếu có cơn đau bụng dữ dội lan ra sau lưng, kèm theo buồn nôn, ói mửa, nhịp tim nhanh…
Thuốc tiêm Liraglutide (tên thương mại Victoza) dùng cho người tiểu đường tuýp 2
Giá bán 1 hộp Victoza có 1 bút tiêm 3ml khoảng 1.4 – 1.5 triệu đồng
Là loại thuốc tiêm mới được dùng trong điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc Victoza đã được chứng minh giúp làm giảm chỉ số HbA1c ở những người bệnh tiểu đường có nguy cơ cao mắc biến chứng tim mạch như đau tim, đột quỵ, tử vong…
Thuốc tác động lên cơ thể bằng cách làm chậm quá trình hấp thu ở đường ruột, điều chỉnh nồng độ hormon giảm sự thèm ăn. Vì vậy khi dùng Victoza người bệnh có cảm giác no lâu hơn, nên giúp giảm cân. Tác động này khá có lợi cho người bị tiểu đường do thừa cân hay béo phì.
Do được chuyển hóa chính qua thận, cho nên những người gặp bệnh thận, đang chạy thận nhân tạo, đang bị đau bụng, tiêu chảy dẫn tới mất nước cần phải thận trọng khi chỉ định.
Symlin (Pramlintide acetate) – Thuốc duy nhất được FDA chấp thuận trong điều trị tiểu đường type 1
Không tiêm Symlin cùng lúc với insulin
Thuốc tiêm Symlin được dùng cho người bệnh mắc tiểu đường type 1 hoặc tiểu đường type 2 đang điều trị bằng insulin trong bữa ăn nhưng không đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết.
Thuốc có công dụng làm giảm lượng đường glucose trong máu, tạo cảm giác chán ăn và giảm cân hiệu quả. Một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm buồn nôn hoặc hạ đường huyết.
Có thể bạn quan tâm:
- 6 sai lầm phổ biến khi dùng thuốc hạ đường huyết và cách phòng tránh
Thuốc uống Januvia (Sitagliptin ), Onglyza (Saxagliptin) và Tradjenta (Linagliptin)
Cả ba loại thuốc này được dùng để điều trị cho người bệnh tiểu đường type 2. Đặc điểm của ba loại thuốc này như sau:
- Thuốc được uống mỗi ngày một lần.
- Thường được sử dụng kết hợp với Metformin.
- Có rất ít hoặc thường không có tác dụng phụ.
- Cẩn trọng khi dùng cho người bệnh tiểu đường type 2 có biến chứng bệnh thận.
- Thuốc có công dụng làm chậm sự phân hủy của incretin, từ đó giúp quá trình giải phóng insulin kéo dài, làm giảm đường huyết hiệu quả.
Jardiance (empagliflozin) – thuốc ức chế SGLT 2 giúp tăng đào thải đường qua nước tiểu
Jardiance có hai dạng bào chế phổ biến hàm lượng 1 viên là 10 và 25mg
Năm 2014, FDA đã phê chuẩn cho Jardiance – thuốc hạ đường huyết cho người tiểu đường – có khả năng làm giảm nguy cơ tử vong do biến chứng tim mạch. Thuốc có khả năng ức chế đường natri đồng vận 2 (SGLT2), ngăn chặn tái hấp thu glucose ở thận, nhờ đó giúp tăng đào thải đường ra ngoài qua nước tiểu, làm giảm đường huyết.
Thuốc có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với thuốc các thuốc khác như metformin, sulfonylurea, pioglitazone và insulin.
Tác dụng phụ của Jardiance có thể bao gồm: chóng mặt, ngất xỉu do giảm huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng đường niệu, giảm chức năng thận, tăng LDL, tụt đường huyết khi phối hợp cùng với insulin.
Humalog – Dòng insulin tác dụng nhanh
Dạng bút tiêm Humalog mặc dù chi phí đắt nhưng rất tiện dùng
So với các dòng thuốc kể trên, insulin đã có mặt từ rất lâu trên thị trường. Tuy nhiên Humalog là dạng insulin có tác dụng nhanh. Thuốc thường được tiêm cho người tiểu đường type 1 và type 2 và trước bữa ăn 15 phút hoặc ngay sau bữa ăn.
Thông thường, Humalog sẽ được phối hợp cùng insulin tác dụng trung bình để đảm bảo mức đường huyết ổn định trong suốt cả ngày. Hiện nay có nhiều dòng Humalog đã được mix cùng insulin tác dụng trung bình, chẳng hạn như Humalog mix 50/50 hay 75/25.
Cùng là dòng insulin, nên tác dụng phụ của Humalog thường gặp nhất là ngứa tại chỗ tiêm và hạ đường huyết. Để phòng tránh tác dụng không mong muốn này, người tiểu đường cần biết cách tiêm insulin đúng cách như trong hướng dẫn của bài viết sau: Kỹ thuật tiêm insulin đúng cách.
Insulin tác dụng kéo dài Lantus (insulin glargine) hoặc Toujeo (insulin glargine)
Lantus hoặc Toujeo là các thuốc tiêm insulin có tác dụng giải phóng chậm. Chúng chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất trong ngày, hiệu quả có thể duy trì sau 24 hoặc 36 giờ. Chính vì đặc điểm này mà chúng sẽ giúp ổn định chỉ số đường huyết trong suốt cả ngày cho người tiểu đường type 1 hay type 2. Loại thuốc này phù hợp với những người khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết bằng thuốc đường uống hoặc các loại insulin tác dụng kéo dài.
Thuốc tiểu đường thế hệ mới – insulin dạng bột hít và dạng uống
Công ty dược Mankind – Danbury Connecticut đã sản xuất thành công insulin dạng hít mới là Afrezza. Đây là dạng insulin có tác dụng nhanh, hiệu quả sau khoảng 15 phút và duy trì khoảng 2 – 4 giờ. Thuốc có thể dùng đơn độc để kiểm soát đường huyết ở người tiểu đường type 2 hoặc dùng phối hợp với insulin tác dụng kéo dài, hay thuốc viên hạ đường huyết.
Do sử dụng dạng bốt, nên thuốc có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng đến phổi. Bạn không nên sử dụng nếu đang mắc bệnh về phổi hoặc bị COPD.
Sắp có viên uống insulin cho người tiểu đường
Mới đây, ngày 18/11/2019, công ty dược phẩm Oramed đã công bố kết quả từ thử nghiệm ban đầu của viên nang insulin về độ an toàn và hiệu quả. Thử nghiệm đưa viên nang này đến tay người bệnh đã trải qua 2 giai đoạn, chỉ còn 1 giai đoạn cuối cùng, nếu thành công sẽ được đưa đến cho người tiểu đường trên khắp thế giới.
Theo kết quả báo cáo, những người được dùng viên nang insulin có tên gọi ORMD – 0801 cho thấy mức HbA1c giảm đáng kể so với nhóm đối chứng và nhóm dùng giả dược. Cụ thể sau 90%, so nhóm đối chứng, HbA1c trung bình giảm 0.60% và 0.54% so với nhóm dùng giả dược. Mặt khác các nhà nghiên cứu còn thấy rằng, điều trị bằng ORMD-0801 có ít tác dụng phụ liên quan đến hạ đường huyết và tăng cân. Trong khi đó, hạ đường huyết và tăng cân là 2 tác dụng phụ khá phổ biến khi dùng insulin theo đường tiêm.
Soliqua 100/33 (insulin glargine và lixisenatide) – thuốc tiêm có 2 thành phần hoạt chất
Soliqua với các loại hàm lượng khác nhau
Đây là thuốc kết hợp giữa insulin glargine và một chất chủ vận peptide-1 giống glucagon với tỷ lệ 100/33.
Thuốc có tác dụng kiểm soát đường huyết và hạ HbA1c, kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2. Thuốc cũng có ưu điểm là chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất mỗi ngày bằng bút có sẵn thuốc.
Một số tác dụng phụ có thể gặp phải bao gồm: tụt đường huyết, buồn nôn, tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp và đau đầu.
Thuốc tiêm cho người tiểu đường tuýp 2 Trulicity (dulaglutide)
Dạng bút tiêm Trulicity chỉ cần tiêm 1 lần trong tuần
Trulicity với hoạt chất dulaglutide là một chất chủ vận thụ thể peptide-1 (GLP-1) giống glucagon, có tác dụng làm tăng cường chức năng tuyến tụy. Thuốc đã được FDA phê chuẩn là thuốc tiêm dưới da mỗi tuần một lần để làm giảm đường trong máu. Thuốc này không được khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên trong điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2, nhưng nó có thể kết hợp với các thuốc tiểu đường đường uống khác.
Một lợi thế khác của thuốc này là ít gây hạ đường huyết hơn so với insulin hoặc sulfonylureas. Nhưng nếu Trulicity sử dụng kết hợp với các loại thuốc này sẽ làm tăng nguy cơ tụt đường huyết, vì vậy cần giảm liều các thuốc này nếu kết hợp với Trulicity.
Một số tác dụng phụ khác của Trulicity bao gồm buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, giảm sự thèm ăn.
Sự tiến bộ của công nghệ bào chế đã cho ra đời nhiều loại thuốc tây mới chữa tiểu đường, thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có loại thuốc nào chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Bên cạnh đó, sử dụng các loại thuốc mới người bệnh cũng sẽ phải chấp nhận rủi ro liên quan đến tác dụng phụ chưa thể biết trước. Vì vậy bạn nên trao đổi với bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất, tối nhất với mình để có kết quả tối ưu trong điều trị.
Lê Hoa
Nguồn:
http://www.joslin.org/info/Spotlight_on_type_2_Diabetes_Medications.html
http://www.joslin.org/info/Spotlight_on_type_2_Diabetes_Medications.html
https://www.drugs.com/article/new-diabetes-treatments.html
- Bình luận mặc định
- Bình luận Facebook