6 sai lầm tai hại khi dùng thuốc chữa tiểu đường và cách phòng tránh
Dùng thuốc chữa tiểu đường mà gặp phải một trong sáu sai lầm sau đây, đường huyết không những “bấp bênh” mà người bệnh còn đặt mình vào vị trí nguy hiểm bởi những tác dụng phụ không đáng có.
Tiểu đường là tình trạng tăng đường huyết mãn tính, bệnh có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm trên toàn bộ cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như tim, mạch máu, hệ thần kinh, mắt… Kiểm soát đường huyết trong ngưỡng cho phép bằng thuốc chính là một trong ba phương pháp quan trọng nhất giúp giảm thiểu rủi ro biến chứng tiểu đường, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Thế nhưng nhiều người tiểu đường tại Việt Nam vẫn còn chưa biết cách dùng thuốc sao cho đúng, cho hiệu quả. Bài viết sau đây sẽ nêu ra 6 sai lầm phổ biến trong việc dùng thuốc mà người tiểu đường hay mắc phải, cách phòng tránh và khắc phục các lỗi này.
Biết cách tránh xa 6 sai lầm này sẽ giúp người tiểu đường dùng thuốc an toàn, hiệu quả
Sai lầm 1: Không hiểu về thuốc mà bản thân đang sử dụng
Nhiều người vẫn thường đặt câu hỏi cho chúng tôi: Bị bệnh tiểu đường có cần dùng thuốc tây không, dùng thuốc tây tôi sợ lắm vì ảnh hưởng gan – thận, nóng trong người. Hay dùng thuốc tiểu đường, nhưng đường huyết tôi ổn rồi có cần dùng nữa hay không, bệnh này có cần dùng suốt đời hay không?
Chính vì sự thiếu hiểu biết này khiến nhiều trường hợp phải trả giá đáng tiếc bằng cả tính mạng khi ngưng dùng thuốc, hoặc tự ý chuyển sang thuốc khác vì nghĩ rằng tác dụng sẽ tốt hơn.
Các chuyên gia Đái tháo đường khuyên người bệnh rằng: Hãy hiểu về loại thuốc mà mình đang sử dụng giống như là mình hiểu rõ mình. Biết rõ tên, tuổi, thành phần, hàm lượng, thời gian, cách thức dùng thuốc sao cho đúng. Tại mỗi hộp thuốc đều có ghi rõ công dụng, lợi ích, cách dùng, thận trọng, tác dụng không mong muốn trong tờ toa. Đừng vội vứt chúng đi, hãy chú ý đọc kỹ và ghi nhớ thông tin quan trọng để giúp bạn biết cách dùng thuốc an toàn.
Cho đến ngày nay, tiểu đường vẫn là căn bệnh mạn tính, chưa thể chữa khỏi vì vậy sẽ cần dùng thuốc đến suốt đời. Mặc dù bất kỳ loại thuốc nào cũng có thể dẫn tới tác dụng không mong muốn, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát chúng, hạn chế chúng bằng cách dùng thuốc đúng.
Thời gian thực tế khi người bệnh tiểu đường gặp bác sĩ không quá nhiều. Do đó, bạn đừng ngại gửi câu hỏi cho các chuyên gia của Tư vấn trị bệnh tiểu đường Typ 2 (https://www.facebook.com/bacsytieuduong/) để được giải đáp về các loại thuốc mà mình đang sử dụng.
Sai lầm 2: Dùng sai liều thuốc chữa tiểu đường
Thận trọng kiểm tra cẩn thận liều dùng thuốc tiểu đường trong lần đầu tiên
Mỗi loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường sẽ có liều dùng và thời điểm dùng khác nhau. Việc nhầm lẫn giữa các loại thuốc hay dùng sai liều sẽ làm giảm hiệu quả kiểm soát đường huyết thậm chí gây ra các phản ứng có hại. Sai lầm này thường gặp ở những trường hợp sử dụng lnsulin. Nguyên nhân là do loại thuốc này có nhiều phân nhóm nhỏ: tác dụng chậm, trung bình và nhanh. Trước khi đi ngủ, người bệnh thường được kê lnsulin tác dụng chậm nhưng nếu dùng sai thành lnsulin tác dụng nhanh, có thể gây hạ đường huyết cấp tính. Cách phòng tránh là đánh dấu các loại thuốc hoặc đặt tại những ngăn đựng khác nhau.
Trong trường hợp bạn thường xuyên gặp phải tác dụng phụ hạ đường huyết với những triệu chứng như bủn rủn tay chân, choáng váng, vã mồ hôi, hãy đọc thêm bài viết: Hướng dẫn cách xử trí khi bị hạ đường huyết cấp.
Sai lầm 3: Bỏ quên liều thuốc
Nếu bạn quên liều thuốc thường xuyên, điều đó sẽ rất nguy hiểm vì sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, khiến đường huyết tăng cao.
Để tránh quên uống thuốc, bạn có thể đặt báo thức trên điện thoại hay máy tính. Ngoài ra, bạn nên cố gắng gắn việc dùng thuốc với một hoạt động hằng ngày khác như đặt sẵn thuốc ở khu vực dễ ghi nhớ như bàn ăn chẳng hạn. Một khi đã hình thành thói quen uống thuốc vào những thời điểm nhất định, bạn sẽ rất ít quên dùng thuốc.
Nếu liều thuốc bạn đã quên gần với thời gian dùng liều tiếp theo, bạn hãy bỏ qua liều này và sử dụng đúng liều khuyến cáo. Không nên tăng gấp đôi liều vì có thể gây phản ứng phụ là hạ đường huyết.
Sử dụng các dụng cụ chia liều thuốc sẽ giúp bạn tránh bỏ quên, bỏ sót liều
Sai lầm 4: Dừng uống thuốc ngay khi gặp các phản ứng không mong muốn
Một số loại thuốc chữa tiểu đường có thể gây buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Những phản ứng này khiến người bệnh lo lắng và nảy ra suy nghĩ ngừng sử dụng. Tuy nhiên, đừng tự ý ngưng dùng thuốc nếu các phản ứng này không quá nghiêm trọng. Điều bạn cần làm là trao đổi ngay với bác sĩ để tìm cách khắc phục. Bác sĩ có thể thay thế thuốc khác phù hợp hơn với bạn, hoặc giảm liều thuốc điều trị trong từng trường hợp cụ thể.
Sai lầm 5: Nhầm lẫn thuốc chữa tiểu đường và các thuốc điều trị khác
Ở người lớn tuổi, thường sẽ bị bệnh tiểu đường kèm theo huyết áp cao, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch… Để tránh nhầm lẫn, bạn nên chia những thuốc dùng mỗi buổi (sáng, trưa, tối) vào các túi/ngăn khác nhau. Ngoài ra, khi đi thăm khám bác sĩ, bạn cần trao đổi tất cả các thuốc, thực phẩm bổ sung mà bản thân đang sử dụng kể cả được kê đơn hay tự mua.
Sai lầm 6: Bỏ qua dấu hiệu chứng minh việc dùng thuốc đang giảm hiệu quả
Tiểu đường là bệnh tiến triển theo thời gian, vì vậy tùy từng giai đoạn tiến triển của bệnh bạn có thể phải kết hợp dùng thêm thuốc hoặc chuyển qua tiêm lnsulin để đảm bảo hiệu quả kiểm soát đường huyết. Thêm vào đó, việc tăng giảm cân nặng, tập luyện nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến kế hoạch dùng thuốc.
Vì vậy nếu có triệu chứng hạ đường huyết (đói cồn cào, mệt mỏi, run chân tay, bủn rủn, vã mồ hôi, choáng váng, hồi hộp) – điều đó có thể do liều thuốc bạn dùng đang quá cao, bạn cần thông báo với bác sĩ để sớm được điều chỉnh liều.
Trong trường hợp đường huyết lúc đói 2 – 3 tháng liên tiếp gia tăng, HbA1c cao, kèm theo biểu hiện mệt mỏi vô cớ, khát nước, mắt mờ… hãy đến bệnh viện vì có thể đường huyết của bạn đang tăng cao. Khi đó buộc phải tăng liều hoặc phối hợp thuốc để nâng cao hiệu quả điều trị.
Tuy việc dùng thuốc chữa tiểu đường là bắt buộc và phải dùng suốt đời, nhưng thực tế vấn đề này không quá khó khăn nếu bạn hiểu rõ về tầm quan trọng của việc dùng thuốc. Nếu có khó khăn nào trong việc dùng thuốc, hoặc dù kiên trì uống thuốc nhưng đường huyết vẫn chưa thể kiểm soát, hãy chia sẻ với chúng tôi để sớm được hỗ trợ.
Xem thêm:
- Tư vấn của bác sĩ Thúy Hằng: Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội về việc sử dụng thuốc điều trị bệnh tiểu đường.
Bích Ngọc
Nguồn: https://www.everydayhealth.com/hs/better-type-2-diabetes-control/avoid-medication-mistakes/
- Bình luận mặc định
- Bình luận Facebook